Xu hướng hiện đại của điêu khắc Việt Nam
Nguyễn Phương Liên (Báo Nhân Dân)
————————————————————-
Tác phẩm “Những con chim” của Thái Nhật Minh
Quy tụ những tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc nhất của nền điêu khắc nước nhà trong một thập kỷ (2003-2013), Triển lãm 10 năm điêu khắc Việt Nam lần thứ V vào tháng 12 tới tại Hà Nội được xem là một sự kiện của giới mỹ thuật nhằm giới thiệu, tổng kết sự sáng tạo và phát triển của nghệ thuật điêu khắc 10 năm qua. Trong dòng chảy nhiều thử thách của đời sống nghệ thuật, điêu khắc đã có sự chuyển mình và điểm nổi bật đáng ghi nhận là sức trẻ dồi dào cả ở đội ngũ cùng những nỗ lực tìm tòi sáng tạo theo xu hướng hiện đại.
Trong tổng số 678 tác phẩm điêu khắc của tác giả cả nước gửi tham dự, Hội đồng nghệ thuật đã tuyển chọn được 296 tác phẩm của 239 tác giả vào trưng bày triển lãm. Các tác phẩm triển lãm lần này đánh dấu sự chuyển biến sâu sắc cả về nội dung tư tưởng và hình thức biểu đạt. Ðó là sự phong phú về phong cách sáng tác với các ngôn ngữ điêu khắc như hiện thực, trừu tượng, biểu hiện… Sự đa dạng về chất liệu với tư duy tạo hình nhiều tìm tòi thể nghiệm, kết hợp giữa điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt… Một thế hệ trẻ đầy hứa hẹn với những sáng tạo mới, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và toàn cầu hóa đã đem đến những tác phẩm giàu tính nghệ thuật và nhân văn. Quan tâm, trăn trở trước nhiều vấn đề của xã hội hiện đại, đồng thời vẫn đau đáu với những giá trị truyền thống, với quá khứ, lịch sử và giàu khát vọng hòa nhập, hướng tới tương lai. Tinh thần đó khi hiển hiện mạnh mẽ, lúc âm thầm lặng tỏa. Có thể thấy mảng đề tài đời sống đô thị hiện đại khá đậm nét trong sáng tác của họ. Tác phẩm Lớp vỏ của Trần Văn An bằng chất liệu sắt hàn tối mầu có hình hộp bị ghìm bó chằng chịt bởi những nẹp cứng đem đến cảm giác nặng nề, tù túng bức bối của không gian, kiến trúc đô thị. Tuyến xe số của Hoàng Văn Thắng là hình ảnh đoàn người tất bật hối hả cho kịp giờ xe buýt. Shopping toát lên vẻ hào nhoáng của một lối sống thời thượng phù hoa. Góc phố của Ðỗ Thế Thịnh lại nhếch nhác, thê lương những phận người lang thang đói khổ và Ðôi mắt của Nguyễn Văn Huy rười rượi nỗi buồn của đứa trẻ ăn xin… Bên cạnh đó, những sinh hoạt đời thường, hình ảnh làng quê, biển đảo, thiên nhiên và môi trường, tình yêu và hạnh phúc, những giá trị nhân văn, những suy tư, triết lý nhân sinh… được thể hiện đa dạng, sinh động qua nhiều tác phẩm. Ðó là Chuyện quê của Cù Kao Khải, Rước vợ bằng xe công nông của Phạm Thái Bình, Bình yên trên đảo của Trần Việt Hà, Ngóng III của Trần Văn Thức, Lát cắt của Phan Văn Tiến, Khoảng trống của Huỳnh Thanh Phú, Cội nguồn của Nguyễn Văn Chước… Ðáng chú ý, với chất liệu tre, gỗ truyền thống mộc mạc, tác phẩm điêu khắc – sắp đặt Những con chim của Thái Nhật Minh (Hà Nội) mô tả hình ảnh những con chim xinh xắn dễ thương trong ô cửa chật hẹp thể hiện khát vọng vượt thoát, bay bổng, giấc mơ tự do và hòa bình. Ðó là tâm lý điển hình của số đông lớp trẻ trong nhịp sống đô thị hiện đại hôm nay.
Theo nhà điêu khắc Phan Gia Hương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật triển lãm, xu hướng “hiện đại” trong ngôn ngữ điêu khắc của triển lãm lần này cập nhật đời sống xã hội đương đại cụ thể, đa dạng và mang đậm tính nhân văn; số lượng tác phẩm có ngôn ngữ điêu khắc hiện đại nhiều hơn những tác phẩm ngôn ngữ hiện thực. Ðó là điểm vượt trội so với điêu khắc của 10 năm về trước. “Ðây thật sự là bước tiến đáng kể, cho thấy nghệ thuật điêu khắc của chúng ta đang phát triển mạnh, bắt nhịp cùng cuộc sống và nghệ thuật đương đại”, bà Phan Gia Hương khẳng định. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, các tác giả đã có nhiều nỗ lực tìm tòi với sự đa dạng ở chất liệu sử dụng như đồng, đá, gỗ, sắt thép và chất liệu tổng hợp, song tác phẩm điêu khắc bằng chất liệu kim loại như sắt, thép đã chững lại, có vẻ như một số nhà điêu khắc sáng tác chất liệu này đang bí nên sáng tác thiếu thuyết phục, không có gì mới. Tác phẩm bị bó không gian, không cởi mở, đi theo lối mòn. Về phù điêu chưa thật sự có sáng tác tiêu biểu, thiếu những tác phẩm cho không gian ngoài trời phục vụ nhu cầu thẩm mỹ của số đông. Một điều đáng chú ý nữa là triển lãm vẫn chưa quy tụ được hết các thế hệ nhà điêu khắc và cũng còn nhiều tác phẩm tốt không tham dự. Một số ý kiến cho rằng trong tương lai, nên chăng cần điều chỉnh thời gian tổ chức triển lãm năm năm một lần và có nguồn kinh phí đầu tư cho các giải thưởng xứng tầm với một triển lãm quốc gia?
Giữa bối cảnh chung của đời sống nghệ thuật nước nhà đang còn nhiều khó khăn, sự bứt phá của Triển lãm 10 năm Ðiêu khắc Việt Nam thật sự là một tín hiệu sáng. Ðánh giá đây là “thời kỳ mạnh” của điêu khắc, nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật triển lãm thể hiện niềm lạc quan: “Các tác phẩm tham gia triển lãm đã khẳng định được sức sáng tạo, sự chuyển mình của lớp trẻ và cho chúng ta niềm hy vọng vào sự phát triển không ngừng của ngành điêu khắc Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.