“Truyền thống và Di sản” tại CAFA Phần 2: Ai Wei Wei và Cai Guo Qiang
Nguyễn Thế Sơn
———————————————
Nhân vật tiếp theo không thể không đề cập khi quan sát những buổi đầu hình thành nghệ thuật thể nghiệm ở Trung Quốc, đó là Ai Wei Wei (Ngải Vị Vị).
Một tác phẩm mà đến tận bây giờ vẫn luôn là một ví dụ sinh động về cách thực hành nghệ thuật của ông, đó chính là tác phẩm: “Đánh rơi chiếc bình cổ đời Hán”. Trong các tác phẩm hành vi của mình, Ai Wei Wei luôn sử dụng những chiếc bình cổ thật rất có giá trị trong bộ sưu tập của cá nhân rồi tự tay làm “mất giá trị” của chúng. Lúc thì ông thả rơi tự do, lúc ông viết chữ Coca-Cola lên đó, lúc lại nhúng chúng vào các thùng sơn với đủ các màu xanh, đỏ, tím, vàng. Các tác phẩm của ông thường gây sốc, đánh thẳng vào hệ giá trị phổ biến trong xã hội Trung Quốc đương thời, một sự thách thức như trêu ngươi, bỡn cợt, thể hiện một thái độ phản tỉnh mạnh mẽ trong phong trào “phản truyền thống” lúc bấy giờ.
Chưa hết, ông còn dùng rất nhiều các đồ cổ thời nhà Minh, như bàn ghế, chế tác lại chúng trở thành những tác phẩm sắp đặt hoành tráng gây nhiều tranh cãi. Những tác phẩm thử nghiệm rất thách thức thời kỳ đầu những năm 80 của ông là những tiền đề hết sức quan trọng trong việc định hình thái độ cũng như con đường đi của nghệ thuật đương đại Trung Quốc sau này.
Đặc biệt gần đây, một lần nữa, ông lại làm xúc động bao trái tim người yêu nghệ thuật trên thế giới với dự án sắp đặt khổng lồ với “Hạt hướng dương” tại bảo tàng nghệ thuật đương đại Tate Modern ở London. Ông sử dụng chính chất liệu gốm sứ Trung Hoa truyền thống ở tỉnh Giang Tây với đội ngũ hàng trăm thợ thủ công chế tác bằng tay 100 triệu hạt hướng dương bằng sứ, tạo thành một tấm thảm khổng lồ rộng khoảng 1000 mét vuông với trọng lượng 150 tấn. Hạt hướng dương là thức ăn duy nhất mà hàng triệu dân Trung Quốc có trong thời Mao Trạch Đông nắm quyền. Hơn 30 triệu người đã chết đói từ năm 58 đến năm 61. Tác phẩm sắp đặt là một ẩn dụ tinh tế về một đất nước Trung Hoa (người phương Tây vốn quen gọi là “đất nước gốm sứ”). Mỗi hạt hướng dương nhỏ bé bằng sứ được làm và vẽ bằng tay nên không hạt nào giống hạt nào, bỗng chốc trở thành một khối biểu tượng đồ sộ của hàng trăm triệu người Trung Hoa.
Một nghệ sĩ “khét tiếng” nữa mà tôi khó có thể bỏ qua đó là Cai Guo Qiang (Sài Quốc Cường). Ông được ví là người nghệ sĩ chuyên đùa với lửa.
Quả thật tác phẩm thử nghiệm của ông luôn “sặc mùi” thuốc súng. Cai Guo Qiang dùng thuốc súng sắp xếp rất tỉ mỉ và cẩn thận trước khi bắt đầu cho phát nổ. Quá trình sắp xếp này từ khi chuẩn bị đến khi bắt đầu cho nổ và kết thúc giống như một tác phẩm trình diễn. Khói thuốc súng sau khi cháy nổ đã để lại thành những nét vẽ phóng khoáng, mảng miếng đậm nhạt xuất thần trên toan. Với kỹ thuật sử dụng thuốc súng này Cai Guo Qiang đã làm nên danh tiếng của mình như một nghệ sĩ độc lập tầm cỡ quốc tế.
Ngoài ra Cai Guo Qiang còn là một phù thủy khi sử dụng pháo hoa. Ông biến bầu trời trở thành toan vẽ cho mình trong các tác phẩm. Hàng loạt những buổi trình diễn pháo hoa nghệ thuật đã được ông thực hiện khắp các Bảo tàng nghệ thuật danh giá trên thế giới. Một chất liệu nghệ thuật truyền thống của Trung Hoa – một trong tứ đại phát minh của Trung Hoa cổ đại đã được Cai Guo Qiang thổi vào một tinh thần nghệ thuật thử nghiệm hết sức đương đại. Ông học kỹ thuật pháo hoa chính từ bà nội của mình và thái độ ông đưa ra với những tác phẩm nghệ thuật của mình như ông chia sẻ là tạo ra nghệ thuật từ những tiếng nổ. Tuổi thơ của ông chứng kiến quá nhiều sự chết chóc từ sau những tiếng súng nổ trong thời đại Cách mạng Văn hóa, nên khi thực hiện tác phẩm của mình, ông muốn sau mỗi tiếng nổ (biểu tượng của chiến tranh) không còn phải thấy sự chết chóc nữa mà là thấy sự thăng hoa kỳ diệu của sáng táo nghệ thuật. Kỳ Olympic Bắc Kinh vừa rồi chính quyền Trung Quốc cũng phải mời nghệ sĩ Cai Guo Qiang về để dàn dựng một màn pháo hoa nghệ thuật cho lễ khai mạc mở màn tạo nên điểm nhấn cho sự kiện.
Video trình diễn với pháo hoa : http://www.youtube.com/watch?v=FPV8zdiySlI
Ngoài những nghệ sĩ kể trên còn rất nhiều các nghệ sĩ khác, cũng có những thử nghiệm rất táo bạo trong sáng tạo vào cuối những năm 80 để cho ra đời một triển lãm nghệ thuật đương đại mang tên “Không quay đầu lại” hết sức quan trọng vào thời điểm bấy giờ. Với 297 tác phẩm của 186 nghệ sĩ tham gia, có thể nói đó là cuộc triển lãm nghệ thuật đương đại đầu tiên ở Trung Quốc có quy mô hoành tráng đến như vậy.
Từ sau triển lãm này, hay nói đúng hơn là từ khi bắt đầu bước vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Trung Quốc đã thay đổi và cũng đã có rất nhiều đổi thay ngay trong chính các Học viện nghệ thuật. Thực sự là môi trường đào tạo nghệ thuật cần phải có những thay đổi mạnh mẽ để theo kịp sự biến động của thời đại cũng như sự phát triển nhanh chóng của tình hình nghệ thuật đương đại thế giới.
*
Tên bài gốc là “Vị trí của ‘Truyền thống và Di sản’ trong các thực hành nghệ thuật thử nghiệm tại Học viện nghệ thuật CAFA”, đã đăng tại Tạp chí Nhiếp ảnh Mỹ thuật số 8- 2013. Vì bài dài, Soi xin cắt ra thành vài phần để có thể chèn được nhiều hình ảnh.
(Theo Soi.com.vn)