Triển lãm nhóm điêu khắc – 7
Triển lãm nhóm điêu khắc 7 – “SEVEN SCULPTORS” của 07 tác giả:
Trần Văn An
Đoàn Hữu Ngà
Lương Văn Trịnh
Phạm Bảo Sơn
Phạm Văn Tuấn
Phan Văn Hưởng
Hoàng Mai Thiệp
Khai mạc vào 18h thứ bảy, ngày 20.07 .2013
Triển lãm mở cửa từ 20.07 đến 26.07.2013
Tại NGUYÊN ART GALLERY. 31A Phố Văn Miếu – Hà Nội.
Nhận xét về triển lãm lần này, nhà báo Vũ Lâm người có nhiều năm tiếp xúc và gần gũi với nghệ thuật điêu khắc viết:
Cũng giống như bây giờ như người ta có thể cưỡi máy bay đi từ đây đến kia, vượt qua khoảng cách cả vạn km trong mấy chục giờ đồng hồ, hoặc ngồi nhà giở máy tính là liên lạc được với toàn thế giới. Nhưng những bước vận động thực tế của nhân loại vẫn không thể vượt qua cái ngưỡng sinh học đã được quy định. Và các kỷ lục điền kinh – môn căn bản trong thể thao vẫn luôn được con người bình thường ngưỡng mộ. Con người vẫn đi từng bước một để vượt qua các kỷ lục vận động của chính mình trước đó, tính bằng centimet và phần nhỏ của giây.
Điêu khắc, là sáng tạo gốc của nghệ thuật tạo hình hay so sánh một cách khác là môn điền kinh của nghệ thuật tạo hình. Việc một thế hệ điêu khắc được tạo ra, luôn chậm rãi và ít ỏi hơn rất nhiều những nhánh mỹ thuật và mỹ thuật ứng dụng khác. Việc đó được tự thân xã hội tiến hành một cách tiệm tiến, cũng không thể tính bằng từng khóa đào tạo chuyên ngành này ở các trường nghệ thuật. Đến một thời điểm nào đó, mà “anh tài” bốn phương thế nào bỗng bất ngờ tụ hội, đột nhiên mà có, như một sự may mắn, nhưng cũng là lẽ tất nhiên, từ sâu xa gốc rễ của nền văn hóa mỹ thuật Việt ưa chuộng những vật thể thị giác “có sức nặng” trong không gian ba chiều.
Bảy nhà điêu khắc trẻ triển lãm lần này, tình cờ thế nào mà năm sinh của họ rải đều ra từ chót thập kỷ 70 đến gần hết thập kỷ 80: Phạm Bảo Sơn (1979); Đoàn Hữu Ngà (1980); Trần An (1981); Hoàng Mai Thiệp (1982); Phạm Văn Tuấn (1985); Lương Trịnh (1986); Phan Văn Hưởng (1987). Và tụ hội từ nhiều miền quê khác nhau của đồng bằng sông Hồng: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình…
Họ được đào tạo căn bản trong những môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, có đủ tuổi đời và tuổi nghề cọ xát từ thực tế học tập và làm việc nhiều năm ròng. Cũng như sự tự tin và mối quan hoài thời cuộc của những “trượng phu” trẻ trung và còn tay trắng, gặp nhau một cách đầy duyên tình trong triển lãm “Bảy” này. Một cái tên triển lãm ngắn gọn và cục kịch như tính cách và tác phẩm của những người làm nghệ thuật với trái tim nóng bỏng, cái đầu minh bạch, hướng thượng và bàn tay, đôi vai thực sự phải là của những người thợ cả.
Họ, trở lại với những tác phẩm điêu khắc nhỏ và vừa –trở về với cái cái “cỡ áo tinh thần” của người Việt từ trong xưa cũ. Nhưng đặt để trong kiến trúc hiện đại, nó gây cảm giác bàng hoàng như đã có tự mảy may bao giờ.
Họ, điêu luyện và phóng túng trong xử lý chất liệu, bay bổng trong sáng tác từ những trò chơi của mảnh và đường và nét như Phạm Bảo Sơn, Đoàn Hữu Ngà. Hay trăn trở nhân sinh cho đến những vấn đề xã hội to nhớn như Lương Trịnh, Trần An, Hoàng Mai Thiệp. Hoặc biến tấu từ những gợi ý gần gụi của hiện thực mở rộng đến những cung trừu tượng hoàn toàn như Phạm Văn Tuấn, Phan Văn Hưởng. Những dây dớt do ngưỡng mộ các đàn anh đi trước không hẳn là không có. Nhưng điều đó là sự kế thừa tất yếu, để có cớ mà bứt phá… Cũng như không ít những niềm tin ngây thơ vào “sứ mệnh” quá nhiều điều có thể nói được nhồi vào trong một khối hình. Nhưng tôi nghĩ rằng, đến một lúc nào đó, nếu ai còn đủ kiên nhẫn, đủ “chì” để đeo đuổi, thì niềm tin ngây thơ này sẽ là một thế mạnh đặc biệt riêng có của người làm điêu khắc.
Tôi nhớ một hiền nhân nổi tiếng trong lịch sử có câu nói thế này “Kế một năm, không gì bằng trồng lúa/ Kế mười năm, không gì bằng trồng cây/ Kế trọn đời, không gì bằng trồng người”
Cái cây điêu khắc không thể trồng trong mười năm. Nó buộc người sáng tác ngày nào cũng phải vun bón. Và, vừa khổ nỗi vừa hay ho ở cái công việc nhọc nhằn mà cao quý này là: ngay chính họ cũng không biết lúc nào và bao giờ cái cây mình trồng kết được hoa thơm, nên trái ngọt. Cuộc đời thế mới thú chứ!
Một số tác phẩm tại triển lãm:
Tác phẩm Ở Giữa của Lương Văn Trịnh
Tác phẩm Khoảng Trống của Phan Văn Hưởng
Tác phẩm Con Voi của Phạm Văn Tuấn
Tác phẩm Chuyển động ngầm của Trần Văn An
Tác phẩm Hân Hoan của Đoàn Hữu Ngà
Tác phẩm Kết hợp của Phạm Bảo Sơn
Tác phẩm Suối Nguồn của Hoàng Mai Thiệp