Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010 – Đổi mới, phát triển và tồn tại

(Tạp chí Mỹ Thuật – Hội Mỹ thuật Việt Nam) Ban Tổ chức triển lãm đã nhận được gần 5000 ảnh tác phẩm của các nghệ sĩ tạo hình 61/63 tỉnh thành cả nước gửi tới. Hội đồng nghệ thuật của triển lãm bao gồm Hội đồng Hội hoạ – Đồ hoạ và Hội đồng Điêu khắc – Sắp đặt đã xét chọn được 836 tác phẩm để trưng bày tại triển lãm lần này trong đó có: 577 tác phẩm hội hoạ (244 sơn dầu; 156 sơn mài, sơn khắc; 58 lụa; 44 chất liệu tổng hợp…), 59 tác phẩm đồ hoạ; 200 tác phẩm điêu khắc và sắp đặt của các nghệ sĩ tạo hình 51 tỉnh thành trong cả nước, trong đó có hơn 150 tác phẩm đã được các tác giả tham gia triển lãm Mỹ thuật khu vực, được giải thưởng hoặc tài trợ của Hội Mỹ thuật Việt Nam trong 5 năm qua.
Trong số tác phẩm của 61 tỉnh thành gửi tới có 10 tỉnh không được chọn tác phẩm trưng bày (Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Phú Yên, Kon Tum, Tây Ninh, Bạc Liêu, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang). Có 9 tỉnh chỉ được chọn trưng bày 01 tác phẩm (Bắc Cạn, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Đắc Nông,…). Theo khu vực, tác phẩm được trưng bầy thì phía Bắc có 576 (428 hội hoạ, đồ hoạ, 148 điêu khắc và sắp đặt) của 496 tác giả; khu vực Miền Trung và Tây Nguyên 83 tác phẩm (62 hội hoạ, đồ hoạ , 21 điêu khắc và sắp đặt ) của 85 tác giả. Khu vực phía Nam có 177 tác phẩm (144 hội hoạ, đồ hoạ, 31 điêu khắc và sắp đặt). Trong số 836 tác phẩm được trưng bầy có 14 tác phẩm của các thành viên Hội đồng nghệ thuật, số còn lại là tác phẩm của Hội đồng nghệ thuật tuyển chọn.
Để có tác phẩm trưng bày tại triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 2010, sau khi chọn tác phẩm từ ảnh, các tác giả gửi tác phẩm về 3 khu vực: Hà Nội cho các tỉnh thành phía Bắc, Đà Nẵng cho các tỉnh thành miền Trung và Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho các tỉnh thành phía Nam. Hội đồng nghệ thuật đã vào từng khu vực để xem các bản chính của tác phẩm, xem có trung thực giữa tác phẩm và ảnh chụp tác phẩm không, trường hợp có chênh lệch, Hội đồng nghệ thuật sẽ bỏ phiếu quyết định trưng bày hay không trưng bày các tác phẩm đó, cả 3 khu vực đều có trường hợp phải xem và bỏ phiếu lại và 2 tác phẩm không đủ số phiếu để trưng bày.
Về cơ bản các tác phẩm gửi đến đều có chất lượng khá đồng đều, chủ đề, đề tài của các tác phẩm khá phong phú và đa dạng. Cũng tại 3 khu vực, Hội đồng nghệ thuật đã sơ chọn các tác phẩm giới thiệu vào giải, khi tập kết đủ về Hà Nội, Hội đồng mới chính thức chấm giải.
Về tiêu chí nghệ thuật, các tác phẩm được giải phải đạt được chất lượng nghệ thuật cao, được thể hiện qua những yếu tố sau: Tính chuyên môn nghệ thuật cao: bố cục, màu sắc, bút pháp, ngôn ngữ tạo hình đặc sắc; tính sáng tạo: có phong cách, cá tính sáng tạo, tìm tòi trong ngôn ngữ tạo hình và sử dụng chất liệu, góp phần phát triển nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam; tác phẩm có bản sắc dân tộc, mang tính thời đại và có bản sắc riêng của cá nhân nghệ sĩ; tác phẩm mang đến cho người xem cảm xúc thẩm mỹ tốt đẹp. Tác phẩm có nội dung tốt, không vi phạm đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng và Nhà nước. Khuyến khích các tác phẩm có chủ đề sáng tác về những vấn đề của cuộc sống đương đại, đề tài lịch sử, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Hội đồng Nghệ thuật Hội hoạ đã xét tặng Huy chương vàng cho tác phẩm Mầm đá – sơn dầu của hoạ sĩ Vũ Cương – Hà Nội; tác phẩm Hà Nội có Cầu Long Biên – sơn mài của hoạ sĩ Nguyễn Trường Linh – Hà Nội; Huy chương bạc cho tác phẩm Sông chết – sơn dầu của hoạ sĩ Lê Thế Anh – Hà Nội; Giấc xuân thì – sơn mài của hoạ sĩ Võ Nam – TP.HCM; Kịch bản đương đại- Khắc gỗ của hoạ sĩ Phạm Khắc Quang – Hà Nội; Đàn bà, mặt nạ và bóng tối – lụa của hoạ sĩ Bùi Tiến Tuấn – Tp.HCM; Huy chương đồng cho tác phẩm Ngày yên bình – lụa của hoạ sĩ Trần Xuân Bình – Hà Nội; Dưới mưa – sơn dầu của hoạ sĩ Nguyễn Đức Khởi – Bắc Ninh; Lời rừng – in độc bản của hoạ sĩ Duy Ninh – Đà Nẵng; Trước giờ lên đường – lụa của hoạ sĩ Lê Văn Sửu – Hà Nội; Buổi chiều – sơn dầu của hoạ sĩ Nguyễn Trung Tín – Tp.HCM; Nước sông đầu nguồn – khắc gỗ của hoạ sĩ Vũ Đình Tuấn – Hà Nội và 20 giải khuyến khích tác phẩm của các tác giả Nguyễn Văn Chuyên, Nguyễn Ngọc Dân, Trần Quang Huy, Mai Xuân Oanh, Bùi Thanh Tâm, Lê Huy Tiếp, Cao Trọng Thiềm, Phạm Tuấn Tú, Trần Phi Trường, Phạm Thanh Vân (Hà Nội), Phúc Anh (Phan Văn út), Trần Văn Hải, Trần Văn Thảo, Mai Thị Thu Trang (Tp.HCM), Trương Bé, Nguyễn Khắc Tài (Huế), Lê Nguyên Chính (Quảng Nam), Nguyễn Khắc Hân (Bắc Ninh), Hồ Văn Hậu (Đắc Lắc). Hội đồng Nghệ thuật Điêu khắc – Sắp đặt đã trao huy chương vàng cho tác phẩm Những lá thư thời chiến – đồng của nhà điêu khắc Nguyễn Quốc Thắng – Tp.HCM; Huy chương bạc cho tác phẩm Phố – sắt của tác giả Nguyễn Huy Tính – Hà Nội; Chiều về – Gỗ của tác giả Trần Quang Vinh – Tp.HCM; Ngóng – Tổng hợp của tác giả Trần Văn Thức – Hà Nội; Huy chương đồng cho tác phẩm Nơi đầu sóng – Composite của tác giả Đoàn Văn Bằng – Hà Nội, Dưới phố – Composite của tác giả Nguyễn Vinh – Gia Lai và 10 giải khuyến khích tác phẩm của các tác giả Dương Đăng Cẩn, Trần Xuân Công, Nguyễn Nguyên Hà, Khổng Đỗ Tuyền, Lê Hồng Yến (Hà Nội); Huỳnh Thanh Phú, Đinh Rú (Tp.HCM); Thái Nhật Minh (Vĩnh Phúc), Lê Ngọc Hải (Quảng Bình), Lương Văn Trịnh (Ninh Bình).
Tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã trao tặng 08 giải thưởng (Hội Mỹ thuật Việt Nam) (đồng hạng). Những câu chuyện – Phù điêu, gò đồng của Mai Thu Vân, Sông Hương xứ Huế – Mộc bản của Trần Nguyên Đán, Bố cục hệ thống – khắc gỗ của Nguyễn Dương Đính, Tiếp thị – sơn dầu của Đinh Minh Đông, Tôi – chất liệu tổng hợp của Nguyễn Thuỳ Trang (Hà Nội). Long Biên – sơn dầu của Mai Duy Minh (Hải Phòng), Dao đỏ – sơn mài của Vũ Duy Thông (TP.HCM), Biển – chất liệu tổng hợp của Châu Trâm Anh (Bình Dương).
Các giải thưởng cho thấy tác giả của 12 tỉnh thành ( Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Đắc Lắc, Bình Dương và Tp Hồ Chí Minh) đã nhận được từ huy chương vàng, giải khuyến khích và giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên những giải thưởng chính chủ yếu là của các tác giả ở Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh là hai trung tâm Mỹ thuật lớn của cả nước, nơi tập trung số lượng các nghệ sĩ tạo hình đông đảo, nơi thường xuyên tổ chức các triển lãm Mỹ thuật, nơi có thị trường Mỹ thuật phát triển và tính chuyên nghiệp trong sáng tác Mỹ thuật được nâng cao và số lượng tác phẩm được trưng bầy trong triển lãm cũng nhiều nhất với 513 tác phẩm, trong đó Hà Nội 370 tác phẩm và TP.HCM 143 tác phẩm.
Từ triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010 ta có thể thấy những đổi mới và phát triển của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại trong 5 năm qua, có thể nói là bức tranh toàn cảnh của Mỹ thuật Việt Nam 2006 đến năm 2010.
Về tác giả: Những tác giả có tác phẩm được chọn trưng bầy trong triển lãm đa số là những nghệ sĩ tạo hình với những tên tuổi mới, họ được đào tạo sau ngày thống nhất đất nước và trưởng thành trong thời kỳ đổi mới, vì vậy ngay những người trong nghề khi đọc tên tác giả còn thấy mới lạ, rất nhiều tác giả mới ra trường trong mười năm đầu của thế kỷ XXI bên cạnh một số tác giả đã quên biết trong các cuộc triển lãm khu vực, triển lãm chung, triển lãm Mỹ thuật toàn quốc trước đó. Tác giả thuộc các thế hệ trước như thế hệ Mỹ thuật Đông Dương còn lại một người tham gia, tác giả thuộc thế hệ kháng chiến chống Pháp và 10 năm đầu hoà bình lập lại ở Miền Bắc có thể đếm trên đầu ngón tay, tác giả của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và 10 năm đầu thống nhất đất nước chỉ chiếm hơn 10% tổng số tác phẩm tham gia triển lãm, như vậy hơn 80% các tác giả có tác phẩm trưởng thành từ sau thời kỳ đổi mới. Nhìn vào danh sách các tác giả đoạt giải ta thấy hầu hết là các tác giả trẻ và trung niên trưởng thành trong thời kỳ đổi mới và thời kỳ hội nhập quốc tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã nhận được giải thưởng cao, một số tác giả quen biết, thuộc thế hệ thứ 3 (thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước trở về trước) chỉ nhận được giải khuyến khích cho thấy Mỹ thuật Việt Nam đã có những bước phát triển mới, một đội ngũ các nghệ sĩ trẻ đã trưởng thành kế tục sự nghiệp của các thế hệ đi trước, tạo nên dấu ấn riêng cho thế hệ của mình, góp phần vào sự phát triển của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Về chủ đề và đề tài: Tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2010, với Hội hoạ và Đồ hoạ ta thấy chủ đề và đề tài được các nghệ sĩ tạo hình khai thác rất phong phú và đa dạng, các tác giả đã chú ý đến việc xây dựng các hình tượng, bố cục nhằm tránh lặp lại những vết mòn của những tác phẩm đã trưng bày ở các triển lãm trước. Về các đề tài mang tính truyền thống theo thống kê sơ bộ tại triển lãm có 20 tác phẩm về đề tài Bác Hồ, 50 tác phẩm đề tài Cách mạng, lịch sử, lực lượng vũ trang nhân dân, 46 tác phẩm về đề tài công nông nghiệp, 50 tác phẩm về đề tài biển đảo, 23 tác phẩm về đề tài thiếu nhi… như vậy đã có gần 200 tác phẩm đi vào các đề tài mà nhiều cuộc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc tổ chức vào cuối thế kỷ XX thường chiếm ưu thế. Tuy nhiên, trong triển lãm người xem có cảm giác tranh tượng “đề tài” không nhiều vì các tác phẩm thuộc các đề tài trên hầu hết được các tác giả khai thác ở những chiều hướng khác nhau, ít lặp lại bố cục và phong cách của tác phẩm được sáng tác trước đây. Các đề tài quen thuộc mà các triển lãm trước thường có như lễ hội (31 tác phẩm), đề tài chợ (33 tác phẩm), tác phẩm sáng tác theo chủ nghĩa trừu tượng… có sự thay đổi ít nhiều trong bố cục và bút pháp thể hiện. Nhiều nội dung đề tài ít xuất hiện trong các triển lãm mỹ thuật trước đây nay đã xuất hiện nhiều hơn như môi trường (26 tác phẩm), giao thông (27 tác phẩm), biển đảo (50 tác phẩm) khoả thân, chân dung, biến đổi khí hậu, sinh hoạt đời thường, nhịp sống của thế hệ trẻ … được các tác giả trẻ quan tâm khai thác khá đa dạng trong bố cục, ngôn ngữ tạo hình, phong cách và bút pháp thể hiện tạo cho triển lãm một cảm giác mới mẻ, trẻ trung và mang tính thời đại.
Về chất liệu và thể loại: Theo thống kê sơ bộ đã có tới 55 chất liệu và thể loại được sử dụng để sáng tác, phổ biến trong Hội hoạ như: sơn dầu, sơn mài, sơn khắc, lụa, acrylic, tempera, phấn màu, bột màu, bút sắt, mực nho, … Trong Đồ hoạ: khắc gỗ màu, khắc gỗ đen trắng, khắc thạch cao, khắc kim loại (kẽm, đồng), in độc bản, in lưới, in litô, trổ giấy, digital art, in trên giấy, giấy dó, giấy bồi, vải, mộc bản… về Điêu khắc với các chất liệu đồng, đá, gỗ, kim loại (sắt hàn, inoc, nhôm ), gốm ( đất nung, sành nâu, sành trắng) chất liệu comporit, giấy bồi, chất liệu tổng hợp…đã được các tác giả sử dụng để sáng tác. Có thể nói tất cả các loại chất liệu đều đã được các nghệ sĩ sử dụng để sáng tạo tác phẩm mà không bị một hạn chế nào theo truyền thống.
Về nghệ thuật: Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010 cho thấy sự đa dạng trong tìm tòi sáng tạo nghệ thuật với nhiều phong cách, bố cục, bút pháp từ truyền thống đến cách tân, đặc biệt là của các tác giả trẻ.
Đối với Hội hoạ: Đã có sự phát triển về ngôn ngữ và bút pháp trên các chất liệu sơn dầu, sơn mài và đặc biệt là trên chất liệu lụa. Các tác giả đã đi sâu nghiên cứu tìm những bố cục mới cho các đề tài dù đã quen thuộc nên tạo cho người xem những cảm nhận mới mẻ. Các tác giả trẻ đã đi vào nhiều đề tài đương đại như tuổi trẻ, môi trường, cuộc sống trong cơ chế thị trường…với nhiều bút pháp khác nhau mang tính trẻ trung, làm cho người xem có cảm giác tươi mới. Tuy nhiên so với một cách sáng tạo, đặc biệt là đổi mới về bút pháp của chất liệu lụa. Chỉ tiếc là trong triển lãm có một số tác phẩm ảnh hưởng Pop Art “Tầu” một cách thái quá làm mất đi bản sắc Việt cho dù trình độ tay nghề và thẩm mỹ của tác giả cũng khá cao.
Đối với Đồ hoạ: bên cạnh những tác phẩm của những tác giả có phong cách đã định hình, một số tác giả khác đã tìm cách đổi mới trong ngôn ngữ và màu sắc. Với các tác phẩm sử dụng kỹ thuật mới như: khắc kim loại (kẽm, đồng), in độc bản, in lưới, in litô, trổ giấy, digital art… đã cho thấy một diện mạo mới của Đồ hoạ thể hiện sự tinh tế trong đường nét và chuyển hoá màu sắc, với những đề tài được rộng mở.
Đối với Điêu khắc: các tác phẩm thể hiện rõ hai khuynh hướng mà các tác giả theo đuổi trong sáng tác đó là khuynh hướng hiện thực và khuynh hướng biểu hiện – trừu tượng nhưng có bước phát triển mới trong tìm tòi bố cục, hình khối và chất liệu để chuyển tải chủ đề, nội dung tác phẩm. Nếu như có triển lãm trước đây, chất liệu gốm chiếm tới một nửa tổng số tác phẩm trưng bầy và được nhiều giải thưởng thì triển lãm lần này chất liệu gốm đã lùi lại phía sau và gần như không có bước phát triển mới, các tác phẩm chất liệu gỗ vẫn chưa vượt lên được so với những tác phẩm trước đây cho dù có tới 03 tác phẩm được giải. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các tác phẩm chất liệu kim loại như đồng, sắt, inoc đặc biệt là chất liệu sắt chiếm tỷ lệ lớn và cũng chiếm được nhiều giải thưởng cho thấy tác phẩm bằng chất liệu kim loại được nhiều nhà điêu khắc quan tâm và tìm tòi ngôn ngữ phù hợp với chất liệu này tạo nên một không gian mới lạ. Phải chăng chất liệu đá được sử dụng phổ biến trong các trại sáng tác những năm gần đây ở một số tỉnh thành trong cả nước đã đưa điêu khắc đá đi vào không gian công cộng, đời sống thường nhật và do kích thước, trọng lượng lớn nên ở triển lãm này chỉ có những tác phẩm chất liệu đá có kích thước nhỏ và không tiêu biểu cho điêu khắc đá đang phát triển trong cả nước. Tỷ lệ tác phẩm phù điêu trong điêu khắc cũng ít hơn so với các triển lãm trước cho dù chất lượng nghệ thuật các phù điêu đã được các nhà điêu khắc tìm tòi sáng tạo trong ngôn ngữ mới.
Bên cạnh những tác phẩm điêu khắc mà tác giả đã bỏ nhiều công sức để tìm tòi sáng tạo, chuyển tải những nội dung chủ đề mà mình muốn thể hiện theo phong cách mới, thì có một số không nhỏ tác phẩm điêu khắc đang lặp lại những ngôn ngữ tạo hình khối âm dương, khối thủng đã quá quen thuộc.
Triển lãm lần này cũng giới thiệu một số tác phẩm sắp đặt, tuy nhiên những tác phẩm đó chưa phản ánh được những thành tựu mà nghệ thuật sắp đặt đã có được trong những năm gần đây nên không gây được ấn tượng với người xem.
Có thể nói, triển lãm mỹ thuật toàn quốc 5 năm một lần giúp chúng ta nhìn lại một chặng đường mỹ thuật đã qua để hướng tới những sáng tác mới. Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010 lần này về tổng thể đã cho thấy sự phát triển đông đảo đội ngũ tạo hình trẻ sung sức, được đào tạo bài bản, có khả năng và nhiệt huyết trong sáng tạo để có được những tác phẩm mới trong thời kỳ mỹ thuật hội nhập quốc tế và đất nước ta đang công nghiệp hoá và hiện đại hoá. Triển lãm cũng cho thấy một thế hệ nghệ sĩ mới trưởng thành đáng tin cậy tiếp bước các thế hệ đàn anh, đánh dấu một giai đoạn mới của Mỹ thuật Việt Nam hiện đại đưa đến cho công chúng yêu mến mỹ thuật một bữa tiệc màu sắc và hình khối, những quan niệm và tư duy nghệ thuật khác nhau là đa dạng nền mỹ thuật Việt Nam.
Cũng như nhiều triển lãm mỹ thuật toàn quốc khác, ý kiến đánh giá bao giờ cũng khác nhau trong thành tựu và tồn tại của các tác phẩm cũng như về công tác tổ chức, hội đồng và giải thưởng, đó là điều tất yếu bởi mỗi nghệ sĩ đều có một quan điểm riêng của mình, tuy nhiên vì một nền mỹ thuật Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc mang tính nhân văn và thời đại vẫn phải là mong muốn và tâm nguyện của chúng ta.
TRẦN VÂN
(Nguồn:http://www.vietnamfineart.com.vn/Story/Tapchimythuat/2011/3/2743.html)