Triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc lần thứ 5: Để điêu khắc gần với đời sống hơn
—————————————————–
Hội thảo “Triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc lần thứ 5 và điêu khắc VN trong giai đoạn hiện nay” được tổ chức tại Hà Nội ngày 25.12 cũng là dịp tổng kết nửa thế kỷ hoạt động của giới làm nghề điêu khắc.

Họa sĩ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN cho rằng: “Thế giới có gì thì ta có nấy, triển lãm lần thứ 5 có chất lượng tốt bởi những chuyển biến sâu sắc về quan niệm nghệ thuật, ngôn ngữ điêu khắc, hình thức biểu đạt và kỹ thuật thể hiện. Các tác phẩm đi sâu vào nội dung, nhưng tránh được hình thức mô tả.
Tất cả các phong cách và ngôn ngữ thể hiện đều có ở triển lãm này – từ điêu khắc không gian đến điêu khắc màu, sắp đặt… Từ đơn chất liệu cho đến chất liệu tổng hợp”. Điều đáng mừng là càng ngày, càng có nhiều tác giả trẻ khẳng định được mình thông qua tác phẩm khỏe khoắn, đầy sức sáng tạo.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân cho biết: “Cựu chiến binh Mỹ David Thomas có 25 năm gắn bó với mỹ thuật VN đã từng ngạc nhiên và thốt lên rằng: Không ngờ ở VN có điêu khắc đương đại thú vị đến thế”. Vậy nhưng, với phần đông dân chúng, nói đến điêu khắc là người ta chỉ hình dung ra những tượng đài, phù điêu hoành tráng được dựng ở những nơi công cộng và vẫn nặng về ý nghĩa tuyên truyền, mà ít có cơ hội được tiếp cận với những tác phẩm giàu tính nghệ thuật, sáng tạo, thử nghiệm…
Hoạt động điêu khắc dường như vô hình trong đời sống đương đại.
Trong nỗ lực để cho hoạt động điêu khắc ra khỏi tình trạng vô hình như hiện nay, Chính phủ vừa ban hành nghị định về hoạt động mỹ thuật, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.12.2013. Theo đó, các công trình xây dựng công cộng bắt buộc phải để phần trăm chi phí nhất định cho nghệ thuật tạo hình, trong đó có điêu khắc. Bằng cách này, dần dần sẽ góp phần nâng cao thẩm mỹ cho công chúng, xóa bỏ được nạn “sư tử đá” đang thịnh hành hiện nay.