Triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc: Lấn cấn giải thưởng, “tiết kiệm” lời khen
Phương Anh (Báo Văn Hóa)
—————————————————————————
Hâm nóng bầu không khí hội thảo Triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc và Điêu khắc VN trong giai đoạn hiện nay là những tranh luận xung quanh “giải Nhất… hụt” đối với tác phẩm Những con chim của tác giả Thái Nhật Minh. Cạnh đó, đúng như BTC đã “dự liệu” vẫn điều chê nhiều hơn tiếng khen, vốn là cảnh thường gặp trong đời sống nghệ thuật tạo hình VN đương đại.
“Giải Nhất… hụt” lại gây tranh cãi
Câu chuyện xung quanh việc đánh “tụt hạng” giải thưởng đối với tác phẩm điêu khắc- sắp đặt của tác giả Thái Nhật Minh, từ giải Nhất thành khuyến khích (Báo Văn Hóa số 2406 ra ngày 16.12) tiếp tục trở thành tâm điểm tại cuộc hội thảo diễn ra ngày 25.12 tại Bảo tàng Hà Nội. Đoán trước “chuyện sẽ thế này”, họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục MTNATL (Bộ VHTTDL), Trưởng BTC Triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc ngay sau lời đề dẫn đã chủ động đề cập những thông tin xung quanh “giải thưởng… hụt”.
Ông nhắc lại, tác phẩm của Thái Nhật Minh sau khi được HĐNT chấm giải Nhất và chờ Quyết định của Bộ VHTTDL thì phát hiện “có vấn đề”. 8/10 thành viên Hội đồng được xin ý kiến đã thống nhất chuyển tác phẩm từ giải Nhất xuống khung giải khuyến khích, 2 thành viên bảo lưu ý kiến là NĐK Đào Châu Hải và NĐK Mai Thu Vân. “Quan điểm của HĐNT là giải Nhất chỉ được trao cho tác phẩm có dấu ấn sáng tạo cá nhân, độc đáo, không trùng lặp ý tưởng.
Về những góc độ này thì Những con chim của Thái Nhật Minh khi đặt trong tương quan đối sánh với tác phẩm Birds của nghệ sĩ Iran Keyvan Fehri chưa đạt, dù đó là tác phẩm tốt. Quyết định thay đổi giải thưởng được thực hiện đúng quy định, quy trình và quy chế làm việc của HĐNT…”, họa sĩ Thành khẳng định.
NĐK Đào Châu Hải, người “châm ngòi” cho cuộc tranh luận về giải thưởng này trong dư luận nhiều ngày qua tiếp tục bảo lưu quan điểm và nhấn mạnh, trong sáng tạo nghệ thuật, giữa copy, sao chép và chịu ảnh hưởng có một ranh giới cần được phân định một cách lý tính chứ không thể chỉ bằng cảm nhận thông thường. Đối với trường hợp của Thái Nhật Minh, cần phân tích tác phẩm Những con chim đã “chịu ảnh hưởng” đến đâu? Như vậy mới thuyết phục được công chúng và chính bản thân tác giả. Cùng quan điểm này, nghệ sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật VN đề nghị BTC “làm rõ” vấn đề khiến tác phẩm của Thái Nhật Minh bị “tuột” mất giải Nhất.
Cũng có mặt tại hội thảo, tác giả trẻ Thái Nhật Minh nói, anh cũng đã đề nghị giải thích thỏa đáng về tác phẩm của mình. Còn chuyện giải thưởng, tác giả cho rằng “không nên tranh cãi nhiều nữa”.
Họa sĩ Vi Kiến Thành “chốt”: “Tác phẩm “Những con chim” của Thái Nhật Minh không phải bản copy, sao chép từ tác phẩm của Keyvan Fehri nhưng BTC, HĐNT vẫn bảo lưu quan điểm không thể trao giải Nhất cho tác phẩm. Hơn nữa, việc đưa thông tin ra dư luận về giải Nhất khi chưa có quyết định chính thức là “lỗi” của “ai đó” trong HĐNT, vi phạm nguyên tắc đã đề ra. Mặt khác, với tư cách là Trưởng BTC, hơn ai hết, tôi là người mong muốn tìm được giải Nhất xứng đáng tại cuộc triển lãm này…”.
Nhiều thay đổi, và vẫn … “tuy nhiên”
Không nhiều lắm những lời khen, cho dù trước đó, khi dạo bước trong không gian triển lãm, nhiều người vẫn chưa quên được những ngày tháng chật vật của đời sống điêu khắc trước đây, khác xa với bây giờ. NĐK Đào Châu Hải cho rằng, dẫu đã có thay đổi về không gian trưng bày nhưng cách thức tổ chức cần chuyên nghiệp hơn. Bức tranh toàn cảnh của nền điêu khắc trong một thập kỷ cần được phân định một cách rõ ràng để người xem có thể “đọc” được nội dung triển lãm, những ý tưởng và ngôn ngữ nghệ thuật một cách rành mạch, khúc triết. Đó là phương pháp trưng bày theo từng cụm về ngôn ngữ nghệ thuật, theo các nhóm trừu tượng, hiện thực…, cách thức mà nhiều nước trên thế giới vẫn áp dụng. Mặt khác, cũng theo NĐK Đào Châu Hải, triển lãm lần này còn “thiếu toàn diện” vì vắng bóng hai mảng quan trọng là điêu khắc cộng đồng và điêu khắc tượng đài.
NĐK Ngô Tuấn Phong, giảng viên Khoa điêu khắc, Trường Đại học Mỹ thuật VN lại cho rằng, chưa có nhiều yếu tố sáng tạo xuất hiện trên các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm. “Nếu coi các xu hướng nghệ thuật như tả thực, cực thực, trừu tượng, điêu khắc- sắp đặt… là những phương tiện biểu đạt cảm xúc thì các nghệ sĩ tại triển lãm này mới chỉ như các kỹ thuật viên, có khả năng sử dụng các phương tiện hiện đại chứ chưa sáng tạo được phương tiện nào mới cho riêng mình…”.
Ở góc độ khác, NĐK Phạm Hoàng Vân, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội băn khoăn, có một số tác phẩm bị loại, không được trưng bày nhưng lại được thị trường đón nhận nồng nhiệt. Như vậy, yếu tố phục vụ xã hội, gắn liền nghệ thuật với cuộc sống sẽ được xem xét như thế nào? TS Trang Thanh Hiền, Trường Đại học Mỹ thuật VN cho rằng, dẫu có sự bứt phá của một thế hệ trẻ trong ngôn ngữ và tư duy, tín hiệu đáng mừng cho điêu khắc Việt nhưng điều cần làm bây giờ là phải thay đổi về cách làm. Các tác phẩm cần được triển lãm thành một quá trình, hoặc được đánh giá theo phong cách để có thể nhìn thấy rõ hơn sự phát triển của điêu khắc Việt trên mọi thể loại. Điều này khiến cho việc tổ chức không còn mang tính chất thụ động kiểu “có sao dùng vậy”.
Là người đã đồng hành cùng 5 kỳ triển lãm điêu khắc toàn quốc, họa sĩ Trần Khánh Chương nhận định, ở triển lãm lần này dường như đã hội tụ đầy đủ những phong cách, ngôn ngữ, chất liệu sáng tạo của điêu khắc Việt trong nửa thế kỷ qua, từ những phong cách cổ điển đến hiện đại, trừu tượng. “Vấn đề là chất lượng chứ không còn những hạn chế trong ngôn ngữ hay phong cách sáng tác nữa. Mặt khác, làm thế nào để tiếp thu những giá trị của thời đại mà vẫn giữ vững tâm hồn, bản sắc dân tộc chính là gánh nặng trên vai của thế hệ làm điêu khắc hiện nay…”.
Còn theo họa sĩ Vi Kiến Thành, điêu khắc VN hiện đại đã có bước phát triển mới, năng động, bám sát cuộc sống đương đại, tuy nhiên cũng có không ít vấn đề đặt ra cho người sáng tác, nghiên cứu và công chúng bởi quá trình hòa nhập luôn cần giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, cũng như mang dấu ấn cá nhân trong từng tác phẩm Ở nước ta hiện nay, sự hưởng thụ nghệ thuật, đặc biệt là hưởng thụ các tác phẩm điêu khắc của công chúng rất thiếu hụt. Còn trên thế giới, đã từ lâu nghệ thuật điêu khắc luôn đi liền với không gian sống, không gian đô thị, trở thành chuẩn mực để đánh giá đô thị văn minh hiện đại.
Nguồn: http://www.baovanhoa.vn/MYTHUATNHIEPANH/print-59972.vho