Tôi Xem Triển Lãm Mỹ Thuật Toàn Quốc 2005
(Thông tin Mỹ thuật – ĐH Mỹ thuật TP. HCM) – Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2005 là một triển lãm lớn và tầm cỡ nhất trong các giải thưởng của Mỹ thuật Việt Nam. Qua đó, rất dễ nhận thấy sự “ra quân” hùng hậu của thể loại tranh sơn mài, đồng thời cũng là của các họa sĩ Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Những bức tranh với kích thước lớn, tranh bộ ba… những mặt tranh được thể hiện rất công phu, thể hiện một trình độ nhuần nhuyễn của các họa sĩ Hà Nội với một thái độ rất nghiêm túc để làm một cái gì đấy cho một cuộc triển lãm lớn 5 năm mới có một lần này.
Kể ra cũng rất khó cho ban giám khảo khi phải đưa thêm một tiêu chí vùng miền. Vì nếu chọn cho “đằng thằng” ra thì triển lãm này sẽ là một triển lãm Hà Nội mở rộng. Sẽ rất nhiều các họa sĩ ở một số tỉnh không thể góp tranh của mình trong triển làm này. Sự chênh lệch khá xa cũng thể hiện lồ lộ trong triển lãm. Tranh của các họa sĩ trẻ rất đông đảo trong triển lãm. Họ thật sự bài bản và thiện chí.
Những cái tên mới mẻ như Bùi Trọng Dư, Vũ Phạm Tường Minh, Nguyễn Thi May, Nguyễn Nghĩa Dậu, Lim Khim KaTy, Lưu Chí Hiếu, Hà Anh Tuấn, Ngô Thị Hải Yến, Thái Nhật Minh, Vũ Đình Tuấn, Nguyễn Đức Phương, Ngô Văn Sắc… hứa hẹn sẽ trở thành những cái tên quen thuộc trong lòng công chúng yêu mỹ thuật. Họ đã có những bước khởi đầu trôi chảy và chững chạc. Họ không vấp phải những vấn đề kỹ thuật và khá tươi mới trong cảm xúc.
Các họa sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện với một tỉ lệ thấp trong triển lãm. Và chủ yếu là dù đã gây được một ấn tượng về dáng vẻ riêng. Điều đó phảng phất một gam màu khác biệt, một cách nhìn, cách nghĩ không giống với các họa sĩ Hà Nội và các địa phương khác. Họ vẽ có vẻ tự nhiên, nhẹ nhàng. Đó chính là điểm mạnh của họ với sự đóng góp cho triển lãm những bức tranh khỏe khoắn. Họ nhẹ nhõm trong cả tranh sơn dầu lẫn sơn mài, trong cả tranh có đề tài xã hội và tình cảm riêng. Bên cạnh những họa sĩ trẻ Hà Nội sâu thẳm sơn mài và hừng hực khí thế, họ phả vào triển lãm một cái gì đó non tơ, trong trẻo.
ĐÌNH VĂN (HN). Âm thanh cuộc sống. Sơn mài đắp. 240x180cm. Huy chương Bạc | HỨA THANH BÌNH (Tp.HCM). Mẹ Việt Nam. Sơn dầu. 135x187cm. Giải khuyến khích |
Có điều cần phải nói là: qua triển lãm lần này, chúng ta cũng chưa thể vui khi nhận thấy mỹ thuật vẫn đang dàn hàng ngang để tiến đều một cách chậm chạp. Đối với hai nền mỹ thuật hùng hậu của Indonesia và Trung Quốc, chúng ta cũng đang còn lặn ngụp ở phía sau một đoạn khá xa. Những bức tranh như bức “Người giấy” của Đào Quốc Huy, “Công trường cầu Thanh Trì” của Nguyễn Phú Lâm, “Cây đời” của Mai Anh, “Trở về nguồn cội” của Nguyễn Văn Chuyên… là những tác phẩm có “tầm khu vực” nhưng số lượng mới chỉ là đếm trên đầu ngón tay trong triển lãm. Điều đó thật đáng ngại. Bởi vì khi thiếu tính sáng tạo thì các họa sĩ ta rất dễ chỉ là những người thợ khéo.
HÀ MẠNH THẮNG (HN). Góc khuất. Sơn dầu. 100x200cm. Huy chương Đồng |
KHỔNG ĐỖ TUYỀN (HN). Mắt bão. Sắt hàn. 100x120cm. Huy chương Bạc |
Các họa sĩ trẻ vẫn chưa thật sự thoát khỏi bóng của những người đi trước về ngôn ngữ tạo hình, cách đặt vấn đề, cấu trúc bức tranh… vẫn chỉ là những mảng lớn nhỏ, nhấp nhô quen thuộc, vẫn cần một cái gì đó khác hẳn đi, cực đoan hơn cũng được. Xã hội đã thay đổi nhiều, các họa sĩ trẻ đang học hoặc mới tốt nghiệp trường Đại học TP.HCM chuẩn bị vác lên vai mình một trọng trách. Vì sự đổi mới mỹ thuật cần phải trở thành một nỗi lo toan.
Qua triển lãm thấy cũng có nhiều chê trách, nhưng xem triển lãm, cũng phải ghi nhận một cách công bằng là ban giám khảo làm việc như vậy cũng là một thành công. Họ đã tìm trong bó đũa để chọn một cột cờ; Cột cờ khó chọn nhưng cũng đã chọn được, nếu có thì cũng chỉ là so đo giữa “vàng” và “bạc”. Thực ra do tuyển loại kỹ từ “vùng treo tranh” nhiều bức tranh không có giải nhưng vẫn thừa vẻ đẹp trong triển lãm, vì thực ra tranh hay thì nhiều mà giải cũng chỉ có hạn, cũng không thể loại tranh ở các địa phương một cách triệt để, cũng cần phải giữ không khí của một cuộc “trưng bày” cả nước. Chính vì vậy mà chất lượng của triển lãm lần này cũng không được như ý cho lắm.
Ngô Đồng