Nam Cao qua đường nét và hình sắc của hội họa
(vnexpress.net) – Hôm qua, 100 tác phẩm hội họa và điêu khắc ra đời từ Cuộc vận động sáng tác Mỹ thuật về Nam Cao và tác phẩm của ông đã được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật VN. Lần đầu tiên, độc giả được tiếp cận với những sáng tác của nhà văn hiện thực chủ nghĩa bậc thày này qua nghệ thuật của đường nét, màu sắc và hình khối.
Cuộc vận động do báo Thể thao & Văn hóa kết hợp với Hội Nhà văn VN tổ chức với hy vọng xây chiếc cầu nối giữa cảm hứng sáng tác văn học và nghệ thuật tạo hình, đồng thời tìm kiếm những hình ảnh, hiện vật trưng bày cho Bảo tàng văn học VN. 87 tác giả, trong đó có 60 họa sĩ chuyên nghiệp đã tham gia vào mối lương duyên giữa văn học và hội họa này. Không chỉ dừng lại ở sự minh họa đơn thuần, theo đánh giá của nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, “các tác phẩm đã trở thành những sáng tác hội họa độc lập dưới âm hưởng của văn học Nam Cao”.
Tác phẩm của Lê Thiết Cương. |
Chí Phèo – Thị Nở, một kẻ lưu manh, một người xấu xí đệ nhất thiên hạ là đề tài “ăn khách” nhất đối với các họa sĩ. Hình tượng hai con người cô độc nhất thế gian này được biểu hiện trong tác phẩm hội họa một cách khá trung thành với quan niệm thẩm mỹ của Nam Cao. Chi tiết bát cháo hành, thói ăn vạ và mối tình vừa đầy nhục cảm vừa trong sáng nơi vườn chuối, dưới ánh trăng rười rượi xuất hiện với một tần số khá cao trong tác phẩm của các họa sĩ. Trong tranh của Thành Chương, Lê Thiết Cương, Hoàng Minh Tường…, Chí Phèo, Thị Nở như hòa vào nhau trong sự giao hoan của tâm hồn và sự trỗi dậy của bản năng, bất chấp những khuyết thiếu hay dị hình về thể xác. Tính cách nhân vật và những tư tưởng về xã hội, con người của Nam Cao cũng được các tác giả cảm nhận và biểu hiện sâu sắc. Trong một tác phẩm, họa sĩ Quách Đông Phương tái hiện Chí Phèo – Thị Nở – Bá Kiến với những hình ảnh so sánh mang tính chất điển hình: Chí Phèo triền miên trong những cơn say; Thị Nở mải miết với những bát cháo hành; Bá Kiến quay quắt với những đồng tiền bẩn thỉu. Bên cạnh những âm hưởng lãng mạn của cuộc tình nơi vườn chuối, giá trị hiện thực trong sáng tác của Nam Cao cũng được khắc họa rõ nét qua những tác phẩm như: Bà cô của Thị Nở, Thị Nở đi đẻ…
Chí Phèo – Thị Nở trong tranh Hoàng Minh Tường. |
Điểm độc đáo của phòng tranh là những tác phẩm “lạ hóa” cảm hứng của Nam Cao, như Thị Nở ngày nay của Lê Quảng Hà và Giấc mơ của Chí – Thị Nở đẹp tựa trăng rằm của Lê Huy Quang. Nếu Lê Quảng Hà phác thảo một Thị Nở giàu có nhưng không lấp nổi sự vô duyên, thô kệch và dị dạng, thì Lê Huy Quang biểu hiện giấc mơ của Chí Phèo về một người tình mặt hoa da phấn – một cảm nhận khiến người xem vừa thấy buồn cười vừa thương xót.
Trong số các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm, ấn tượng nhất phải kể đến sáng tác của Thái Nhật Minh. Bằng chất liệu composit chai gạch, tác giả dựng nên một gương mặt rách nát đậu trên một cái chai – chân dung của Chí, một kẻ đứng giữa trần gian bằng đôi chân ngập trong rượu và đối diện với đời bằng cái mặt ăn vạ.
Không sánh được với Chí Phèo, Thị Nở về mặt số lượng nhưng các tác phẩm khai thác nhân vật Lão Hạc thực sự là những sáng tác cảm động. Ở đó, Lão Hạc không chỉ là một con người, một cảnh đời, một số phận cụ thể mà còn ẩn chứa cảm xúc của cá nhân các họa sĩ. Điển hình là các tác phẩm của Việt Hải, Vũ Duy Nghĩa… Nhà văn Kim Lân – người bạn thân thiết với Nam Cao lúc sinh thời – nhận xét: “Họ không minh họa mà biểu hiện cảm xúc của mình về con người và sáng tác của nhà văn”.
Tuy thu hút được một số lượng lớn các tác giả tham gia nhưng tác phẩm trong cuộc vận động sáng tác chưa thật sự phong phú về nội dung biểu hiện. Các sáng tác hầu như chỉ xoay quanh Lão Hạc và Chí Phèo. Chính vì vậy, người xem có cảm giác như phòng tranh chưa đi hết chiều rộng di sản văn học vốn chứa đựng rất nhiều giá trị quý báu của Nam Cao.
Triển lãm sẽ kéo dài đến 13/6.
Lưu Hà