Góp “gió” để thay đổi điêu khắc
Mai Anh (Báo điện tử An ninh thủ đô)
——————————————————–
Trong khi điêu khắc đương đại Việt Nam đang lúng túng tiếp cận công chúng thì dự án nghệ thuật “New Form” được kỳ vọng sẽ đem đến một hướng đi mới cho điêu khắc với mô hình hoàn toàn mới. PV Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với Nhà nghiên cứu nghệ thuật Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc điều hành tại Mường Studio (Bảo tàng Không gian văn hóa Mường) về dự án này.
Những con mèo (Giấy bồi và keo) của Thái Nhật Minh
– Phóng viên: So với những triển lãm thông thường, nét mới ở “New Form” theo anh là gì?
– Nhà nghiên cứu nghệ thuật Nguyễn Anh Tuấn: Ở dự án “New Form”, chúng tôi đặt ra những vấn đề mang tính quan niệm, nằm trong cơ chế về mặt sáng tạo một tác phẩm điêu khắc. Dự án không đơn thuần giống như các triển lãm nghệ thuật, là sáng tác ra một cái gì mới thì đem ra trưng bày. Trong từng giai đoạn, các nghệ sỹ cùng làm việc để trao đổi việc nắm bắt ý tưởng, cho đến việc triển khai ý tưởng thành tác phẩm. Những người tham gia dự án phải cho thấy sự thực hành của mình qua một quá trình làm việc, và sự thực hành ấy đáp ứng những tiêu chí mà “New Form” đề ra.
– Cụ thể những tiêu chí ấy là gì?
– Một trong những tiêu chí nổi bật của dự án là chúng tôi sáng tác các tác phẩm từ bất kỳ chất liệu gì, từ đồ tái chế, những sản phẩm giấy, nhựa, dây rợ… Bên cạnh đó là kết hợp yếu tố ánh sáng, âm nhạc và không gian. Ở đây, không gian đóng vai trò như một thành tố của tác phẩm chứ không chỉ là nơi đặt, để tác phẩm.
– Như vậy nó đã có một bước tiến mới ra khỏi quan niệm về điêu khắc truyền thống, trước nay nhiều người thường nghĩ “điêu khắc là dựng tượng”?
– Từ thời xã hội phong kiến, sản phẩm điêu khắc truyền thống chỉ là những bức tượng. Tượng trong đền, chùa, đình như tượng Phật, tượng Thánh, tượng Mẫu, tượng thờ Thành hoàng làng… Phần lớn mục đích sử dụng loại tượng đó là vĩnh viễn theo thời gian. Và như vậy nó được làm từ những chất liệu bền vững như gỗ, đá… Đến thời hiện đại thì những nhà điêu khắc có nhu cầu thay đổi về chất liệu, về hình tượng khi cảm thấy những tư duy và cách làm cũ không đáp ứng được tinh thần của xã hội, sự chuyển động của tư tưởng, của đời sống.
– Hiện nay có một thực tế là các hoạt động dành cho điêu khắc còn khá ít ỏi và trầm lắng, anh nghĩ sao?
– Sự “trầm” ấy phụ thuộc vào một số yếu tố. Hoạt động sáng tạo điêu khắc có những điểm khác hội họa và các ngành khác. Để làm ra một tác phẩm điêu khắc thì thời gian để xử lý từ ý tưởng đến hiện thực lâu hơn. Chẳng hạn hội họa là mặt phẳng 2 chiều đến điêu khắc là không gian 3 chiều đòi hỏi cách xử lý về ngôn ngữ nghệ thuật và cái nhìn khác nhau. Thêm một điểm nữa là thị trường dành cho điêu khắc chưa thực sự phát triển. Điều này dẫn đến việc một nhà điêu khắc khi muốn giới thiệu tác phẩm phải có sự đầu tư lớn hơn so với các môn nghệ thuật khác. Để đưa tác phẩm điêu khắc đương đại vào trong không gian như tiền sảnh khách sạn, hay vào phòng ăn, phòng ngủ… thường rất khó, chưa thực sự đi vào đời sống xã hội. Thị trường tiêu thụ mới sôi động ở nước ngoài, chứ trong nước chưa thực sự khởi sắc
– Lâu nay điêu khắc vẫn rơi vào thực trạng là xa lạ đối với cách cảm thụ của phần đông công chúng. Quan điểm của anh như thế nào?
– Theo tôi đây cũng là vấn đề trăn trở của nhiều môn nghệ thuật Việt Nam, chứ không riêng gì điêu khắc. Người nghệ sỹ phải không ngừng cố gắng để vừa phát triển nghề nghiệp, vừa nói lên câu chuyện nghệ thuật, vừa phải để những người xung quanh hiểu mình, mà đôi khi rất khó dung hòa những yếu tố đó. Với môn nghệ thuật là ngôn ngữ về thị giác như điêu khắc, chúng ta chưa có giáo dục về giao tiếp và sự hưởng thụ nghệ thuật. Thế nào là đẹp, tại sao là đẹp? Cũng như việc, âm nhạc tại sao nhạc kém chất lượng vẫn tràn lan thị trường, chúng ta chưa giải thích được.
– Vậy sau “New Form”, anh kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi như thế nào cho điêu khắc và cho chính những người đang thực hiện dự án?
– Những thành viên của chúng tôi như Lê Lạng Lương, Trần Trọng Tri, Khổng Đỗ Tuyền, Phạm Thái Bình… hay Thái Nhật Minh đã có định hướng nghệ thuật tương đối tốt trước khi tham gia dự án. Tuy nhiên, dù bất cứ ai, họ đều phải phát triển tư duy mới trong nghề nghiệp, không thể đi theo lối “tượng tròn” nữa. Và dự án này cũng đặt ra thách thức cho các nhà điêu khắc thể hiện năng lực của mình, cũng như định hình phong cách của riêng mình. Và không chỉ có họ, sau dự án chúng tôi muốn mọi người cảm thấy rằng điêu khắc cần phải thay đổi, để trước hết là tạo ra những tác phẩm phản ánh thẩm mỹ thời đại, và tiếp theo là đi vào đời sống xã hội.