ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT LÀ SÁNG TẠO VÀ BẢN SẮC DÂN TỘC
Hoàng Anh phỏng vấn NĐK Phan Gia Hương (Tạp chí Mỹ Thuật)
_______________________________________________________________
Không gian trưng bày những tác phẩm được giải, tầng 1, Bảo tàng Hà Nội
Năm 2013, họa sĩ Thành Chương (Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương HMTVN), được trang web:Vnexpress.net bầu chọn là một trong “50 Người Tiên phong của Việt Nam 2012” làm khách mời đặc biệt cho chuyên mục Trò chuyện đầu xuân của Tạp chí Mỹ thuật.
Nhân dịp đầu xuân Giáp Ngọ 2014, sau những cân nhắc kỹ càng, Tạp chí Mỹ thuật chọn NĐK Phan Gia Hương làm khách mời chuyên mục Trò chuyện đầu xuân 2014.
Năm 2013 đã diễn ra Triển lãm 10 năm điêu khắc (2003-2013). Đây là sự kiện đặc biệt nhất, là ngày hội lớn của chuyên ngành điêu khắc nói riêng và giới mỹ thuật nói chung. NĐK Phan Gia Hương, với tư cách là Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Phó Chủ tịch hội đồng chuyên ngành điêu khắc HMTVN; cùng những thành tích trong sáng tác, trong giảng dạy; cùng những kinh nghiệm hoạt động vững chắc và sâu rộng trong nghề nghiệp đã được Ban tổ chức Triển lãm 10 năm Điêu khắc 2003-2013, tín nhiệm giao cho nhiệm vụ khó khăn nhưng cũng rất vinh dự là: Chủ tịch HĐNT. Chị coi đây là một trọng trách đầy vinh dự, tự hào cho cá nhân và đã cố gắng hết sức để hoàn thành công việc thật tốt.
Sau ngày khai mạc Triển lãm 10 năm điêu khắc, phóng viên TCMT đã có buổi gặp gỡ, chuyện trò thân mật và cởi mở về những cảm nhận, những suy nghĩ của chị khi đảm nhiệm trọng trách này.
Phóng viên Hoàng Anh (H.A): Cảm giác của chị, khi được Ban tổ chức Triển lãm 10 năm điêu khắc tin tưởng giao nhiệm vụ Chủ tịch hội đồng nghệ thuật một triển lãm có quy mô rất lớn như thế này.
Nhà điêu khắc Phan Gia Hương (P.G.H): Thực sự, lúc đầu tôi hơi bất ngờ vì được Ban tổ chức tín nhiệm giao cho một trọng trách có tầm quan trọng như vậy. Đây là một vinh dự rất lớn với cá nhân tôi. Trong tâm khảm, tôi luôn ghi nhớ để cố gắng làm việc một cách công bằng và công tâm nhất.
Nhà điêu khắc Phan Gia Hương
H.A: Triển lãm 2013 là 1 triển lãm rất lớn của chuyên ngành điêu khắc. Thời gian sáng tác của các tác giả được trải dài xuyên suốt 1 thập kỷ. Trong bối cảnh xã hội phát triển nhanh, mạnh như hiện nay, với quãng thời sáng tác gian dài như vậy thì HĐNT tập trung vào những tiêu chí gì để chấm, chọn tác phẩm để trưng bày, để trao giải…?
P.G.H: Tôi đã làm thành viên trong HĐNT của rất nhiều cuộc thi về điêu khắc. Trước khi nói vào tiêu chí của HĐNT triển lãm này, tôi xin đề cập bên lề một chút về kinh nghiệm cá nhân tôi sau rất nhiều cuộc thi. Đó là khi chấm giải xong thì đa phần các tác phẩm được giải cao có tạo hình rất bình thường và không có gì đặc biệt. Đây là những tác phẩm nhận số phiếu cao hơn những tác phẩm mang tính phá cách và sáng tạo. Nghe có vẻ “nghịch lý”, nhưng sự thật đúng là như vậy. Bởi vì những tác phẩm không phá cách, ít đột phá sáng tạo thường có “khối hình sạch sẽ”, “không xấu mà cũng chẳng đẹp”, “không mới cũng chẳng quá cũ”, “không xuất sắc nhưng cũng hơn trung bình”… Đấy mới chính là những tác phẩm “rất an toàn”, thường được các thành viên HĐNT bầu chọn vào tiếp các vòng sâu hơn. Và cứ theo tuần tự như thế, có thể sẽ lên đến giải cao nhất. Để tránh tình trạng này, ngày từ đầu tiêu chí chấm giải của HĐNT đã được thống nhất ý kiến rất rõ ràng, dứt khoát là: Tính sáng tạo và tính dân tộc phải được đặt lên hàng đầu. H.A: Vậy, HĐNT đã áp dụng tiêu chí ấy như thế nào?
P.G.H: Rất đơn giản thôi… chúng tôi đã quyết liệt và khắt khe khi kiên quyết không chọn những tác phẩm không có tính sáng tạo vào vòng dự kiến chấm giải. Như vậy, việc để lọt những tác phẩm “bình bình” như mọi khi sẽ được giảm thiểu…
H.A: Xin lỗi đã cắt ngang lời chị một chút. Vậy chị có thể cho tôi hỏi: liệu việc tác phẩm Những con chim của Thái Nhật Minh đã bị thay đổi từ dự kiến giải nhất thành giải khuyến khích vào phút chót có liên quan đến tiêu chí Sáng tạo hay không?
P.G.H: Tất nhiên là có và là lý do chính dẫn đến quyết định của HĐNT. Tác phẩm Những con chim được dự kiến chấm giải nhất sau khi có sự đồng thuận cao của các thành viên trong HĐ. Vì tác phẩm này của Thái Nhật Minh rất hay, rất ý nghĩa, có tính sáng tạo cao về ngôn ngữ tạo hình cũng như biểu cảm và xúc cảm thẩm mỹ. Sau khi chuẩn bị công bố giải thì nhờ các kênh thông tin khác nhau mà chúng tôi đã biết Những con chim rất giống với cách tạo hình tác phẩm Birds của nhà điêu khắc Keyvan Fehri người Iran. Chính vì vậy, tính Sáng tạo của Những con chim không còn nữa bởi chúng có thể ít nhiều đã bị ảnh hưởng từ Birds rồi… nên việc chúng tôi thay đổi thứ bậc giải cũng là điều rất bình thường và phù hợp với tiêu chí của Ban tổ chức, của HĐNT đã đặt ra ngay từ lúc ban đầu.
HOÀNG VĂN THẮNG (Hưng Yên) – Tuyến xe số. Compozit. Giải Khuyến khích – Triển lãm 10 năm điêu khắc 2003-2013
H.A: Chính vì để phù hợp với từng tiêu chí của HĐNT, cho từng cuộc thi khác nhau, nên một số nguồn tin cho rằng có nhiều tác phẩm điêu khắc tốt hơn nhưng không tham dự triển lãm này vì họ không tin tưởng vào sự cầm cân nẩy mực của Ban tổ chức, của HĐNT. Họ cho rằng, những thành viên trong HĐNT đều đã thuộc thế hệ trước nên sẽ không nắm bắt được “xu hướng, nhịp thở” của những tác phẩm điêu khắc đương đại…!?
P.G.H: Tôi có thể nói rằng họ mới chính những người người “lạc hậu” với thông tin thời cuộc. Vì các thành viên trong HĐNT ngoài Nđk Tạ Quang Bạo, Nđk Lưu Danh Thanh và tôi tạm gọi là thuộc thế hệ trước. Còn những gương mặt khác như Đào Châu Hải, Nguyễn Phú Cường, Nguyễn Xuân Tiên, Mai Thu Vân, Hoa Bích Đào, Bùi Hải Sơn, Lê Lạng Lương… đều là những gương mặt trẻ và có cách nhìn mới, có xu hướng sáng tác rất đương đại và hợp thời.
Còn việc một số tác phẩm tốt (tôi tạm đánh giá “chất lượng theo tin đồn”) của một số tác giả nào đó không tham dự triển lãm thì hoàn toàn do những lý do cá nhân của họ thôi. Đây là một sân chơi lớn, cuộc hội ngộ lớn của giới điêu khắc cũng như giới mỹ thuật. Những nhà điêu khắc chân chính luôn nghĩ rằng họ nên tham dự vào cuộc triển lãm này. Vì họ coi đây là một vinh dự và họ đã góp một phần công sức sáng tạo nghệ thuật của mình cho văn hóa của đất nước. Và nếu những tác phẩm ấy không được giải thì cũng một phần nào đó được công chúng thưởng thức, đón nhận. Tác phẩm của họ được giao lưu với mọi người. Như thế, tầm tư tưởng và suy nghĩ của họ rất tiến bộ và tích cực. Chúng tôi luôn trân trọng và cảm ơn những nghệ sĩ như thế.
NGUYỄN VĂN HUY (Quảng Nam) – Đôi mắt. Đồng. Giải III – Triển lãm 10 năm điêu khắc 2003-2013
H.A: Tôi nghĩ, bạn đọc sẽ hiểu những khó khăn của HĐNT khi nghe những lời chia sẻ chân thành của chị. Quay trở lại một chút với tiêu chí của HĐNT về Tính Sáng tạo và Bản sắc dân tộc. Chị có thể nêu rõ và chi tiết hơn… để bạn đọc hiểu rõ vấn đề quan trọng này.
P.G.H: Xét về mặt Sáng tạo: Để tránh tình trạng những tác phẩm “không xấu mà cũng chẳng đẹp”,… như đã nói ở trên vào sâu trong giải nên chúng tôi đề cao tính Sáng tạo cá nhân. Những tác phẩm có ngôn ngữ tạo hình sáng tạo mới trên nền một tâm hồn mang bản sắc dân tộc là điều mà HĐNT luôn kiếm tìm. Chính vì tiêu chí có phần khắt khe ấy mà năm nay chưa có tác phẩm nào đạt giải nhất. Bản thân HĐNT cũng nhận thấy, nếu tác phẩm chỉ được một vế là Sáng tạo mới thôi cũng đã có thể đoạt giải cao chứ chưa dám kỳ vọng thêm là Đậm đà bản sắc dân tộc nữa. Bởi hiện nay, để tìm một tác phẩm sáng tạo mới, hiện đại có lồng ghép tính dân tộc là rất khó. Những tác phẩm mang tính dân tộc thuần túy thì thường bị cũ ở cách tạo hình và bị sa vào lối mòn tư duy. Vì vậy, tiêu chí dân tộc, sáng tạo, hiện đại trở nên rất khó khăn và khó kiếm tìm. Trên thế giới hiện nay, đang có một làn sóng sáng tạo nghệ thuật mạnh mẽ, mà nội dung chính là câu chuyện tìm lại Bản sắc riêng của dân tộc. Thế giới đang xích lại gần nhau hơn bao giờ hết bởi internet đã san phẳng khoảng cách địa lý giữa các quốc gia. Vì vậy, sự ảnh hưởng qua lại giữa các nền văn hóa, các sáng tác nghệ thuật mới là rất nhanh chóng và dễ dàng. Ai cũng đã nhận thấy điều này từ khá lâu rồi. Ví dụ cách đây mấy năm trong một cuộc triển lãm điêu khắc ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi có nói với các nhà điêu khắc trẻ rằng: nếu bỏ phần tên tác giả đi thì tôi tưởng đang xem triển lãm của các nghệ sĩ nước khác chứ không phải Việt Nam nữa. Điều này có thể cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của việc toàn cầu hóa trong nghệ thuật. H.A: Có thể dễ dàng nhận thấy xã hội ngày nay đang hiện đại hóa rất nhanh nhờ thông tin nên 10 năm phải chăng là quá dài? Qua triển lãm 10 năm điêu khắc lần này, BTC có ý định rút ngắn thời gian tổ chức xuống không thưa chị?
P.G.H: Chắc chắn là lần tới BTC sẽ rút ngắn thời gian triển lãm. Điều này chúng tôi đang bàn thảo. Vấn đề là 3 năm hay 5 năm sẽ tổ chức 1 lần sao cho hợp lý mà thôi.
H.A: Nhân đầu xuân mới Giáp Ngọ 2014 chị có lời nhắn nhủ gì đến các nghệ sĩ yêu quý của chúng ta!
P.G.H: Đầu tiên tôi xin chúc toàn thể anh chị em trong giới nghệ sĩ một Năm mới dồi dào sức khỏe, may mắn, hăng say lao động, sáng tạo nghệ thuật. Về phía tôi chỉ muốn nói với các nghệ sĩ một điều rất đơn giản: trong sáng tác của mỗi cá nhân nghệ sĩ, điều quan trọng nhất là Sáng tạo và giữ gìn được bản sắc dân tộc. Sáng tạo là tri thức, là kiến thức, là tư duy thẩm mỹ của mỗi cá nhân. Bản sắc dân tộc là tâm hồn, là đời sống của người Việt. Một người nghệ sĩ hiện đại và văn minh là người nghệ sĩ luôn gắn kết được sáng tạo cá nhân và bản sắc dân tộc. Xã hội luôn trân trọng và tôn vinh những con người nghệ sĩ như thế.
H.A: Xin cảm ơn chị rất nhiều. TCMT xin chúc chị và bạn đọc TCMT một năm mới An khang, Thịnh vượng.
Nguồn:http://www.vietnamfineart.com.vn/Story/diendanmythuat/2014/1/3957.html