ĐIÊU KHẮC VÀ CÔNG CHÚNG – 15/02/2014
Đào Mai Trang (Tạp chí VHNT)
__________________________________________
Sự thưa vắng khách tham quan sau ngày khai mạc của các triển lãm mỹ thuật nói chung trên cả nước là một thực tế tồn tại lâu nay. Có cách nào để khắc phục? Câu hỏi nếu trả lời rốt ráo hẳn sẽ cần đến nhiều chương viết, bởi nó chạm đến những vấn đề sâu xa như lý do tồn tại và cách nhìn nhận sự tồn tại của hoạt động sáng tác mỹ thuật nói chung, điêu khắc nói riêng ở Việt Nam kể từ khi có nền mỹ thuật hiện đại, kéo dài qua các thời kỳ chiến tranh và rồi đến bối cảnh xã hội nhiều thay đổi theo xu hướng thị trường, thực dụng và xa xỉ. Bài viết này đề cập đến khía cạnh điêu khắc với công chúng, đưa ra một số ý kiến về những gì có thể thay đổi được trong bối cảnh chung hiện nay với hi vọng công chúng sẽ đến với điêu khắc đông hơn trong tâm trạng tò mò tích cực về nghệ thuật.
Điêu khắc với đại công chúng
Nói cách khác, đó chính là các công trình điêu khắc ngoài trời như tượng đài, tượng đường phố, tượng chân dung, phù điêu, vườn điêu khắc, công viên điêu khắc,… Những công trình này xuất hiện ở Việt Nam từ thời thuộc Pháp, khi người Pháp bắt tay vào quy hoạch đô thị với những quy chuẩn đô thị của châu Âu. Một công trình còn lại từ thời đó ở Hà Nội là khu vườn hoa Yersin với tượng chân dung vị bác sĩ này.
Trong thời kỳ miền Nam có chiến tranh và miền Bắc đi vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, văn hóa nghệ thuật đã được coi là những công cụ đắc lực để tuyên truyền, cổ vũ tinh thần cách mạng. Sau chiến tranh, các công trình tượng đài, đài tưởng niệm hoành tráng được xây dựng như một phong trào, một vết dầu loang khắp các địa phương trên cả nước với cách nhìn nhận chung là các công trình mang ý nghĩa lịch sử tâm linh. Các trại điêu khắc nội địa và quốc tế cũng có một thời kỳ được xem như phong trào của một số địa phương có tiềm năng kinh tế và du lịch, bắt đầu từ sự nổi bật của trại điêu khắc quốc tế ở Huế song hành cùng Festival Huế (năm 2002)… Thực tế chung đó cho thấy điêu khắc dành cho đại công chúng rất hiếm khi được nhìn nhận ở góc độ nghệ thuật và thẩm mỹ, thay vào đó là tuyên truyền, tâm linh, phong trào. Ấy là chưa kể do nguồn kinh phí chủ yếu từ ngân sách nhà nước cấp cho các đại công trình này không nhỏ, nên chúng còn gắn liền với tình trạng tư duy nhiệm kỳ ngắn hạn của giới chức lãnh đạo chính quyền cũng như ngành văn hóa địa phương. Rất nhiều trại điêu khắc, vườn điêu khắc sau thời gian hoạt động sáng tác tại chỗ của nghệ sĩ thì rơi vào tình trạng chung là bị bỏ mặc không người coi sóc. Bên cạnh đó, cũng chưa địa phương nào có một quy hoạch bài bản cho dạng nghệ thuật này để có được những chương trình hoạt động mang tính chất định kỳ, lâu dài, ổn định…
Nếu cách nhìn nhận ấu trĩ và sai lệch trên được thay đổi theo chiều hướng tích cực và đúng đắn? Những đồng tiên ngân sách dành cho nghệ thuật đó được sử dụng đúng với mục đích hướng đến phục vụ đại chúng? Hệ quả đầu tiên sẽ là: chất lượng nghệ thuật và giá trị thẩm mỹ của các công trình đó chắc chắn sẽ được nâng cao và sẽ được phát huy tích cực bằng rất nhiều cách thức, khía cạnh khác, tỉ dụ như truyền thông, giáo dục, kinh doanh du lịch,… Khi nghệ thuật đã thực sự hướng đến đại chúng thì chắc chắn đại chúng sẽ hướng trở lại với nghệ thuật.
Người viết cho rằng mô hình triển lãm điêu khắc toàn quốc định kỳ 10 năm cũng là một kiểu thức hoạt động đưa điêu khắc đến với đại công chúng. Quy mô tổ chức, số lượng tác phẩm, thời gian trưng bày,… của sự kiện này đã cho thấy rõ điều đó. Tuy nhiên, mô hình tổ chức này thực sự còn phù hợp với nhu cầu của đại công chúng hiện nay nữa hay không? Rõ ràng nghệ thuật điêu khắc thì không phải là nghệ thuật giải trí theo nghĩa thông thường như là đi xem một bộ phim bom tấn, một đêm ca nhạc có các ngôi sao giải trí. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao khán giả có thể bỏ vài tiếng đồng hồ và hàng trăm, thậm chí hàng triệu đồng để thưởng thức một chương trình đó, trong khi triển lãm điêu khắc hoàn toàn miễn phí mà chẳng mấy người muốn ghé chân? Phía nhà tổ chức đã có khi nào thực sự nghĩ đến những phương cách biến triển lãm này thành một sự kiện nghệ thuật thị giác thực sự hấp dẫn? Hay mới chỉ dừng lại là một việc làm trong cách danh mục việc phải làm và làm cho xong? Một so sánh: năm 2003, khi người Đức mang triển lãm nghệ thuật đương đại QUOBO đến Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, địa chỉ này đã như được thay một diện mạo hoàn toàn khác. Đặc biệt, khách đến tham quan đã được một đội ngũ tình nguyện viên nhiệt tình chỉ dẫn và diễn giải, cung cấp thêm thông tin. Đây là một cách làm rất hữu hiệu để tăng thêm sức thu hút của triển lãm. Công chúng sẽ bớt e dè hơn, sẽ tăng thêm sự tò mò thích thú hơn với sự kiện này.
Trở lại với triển lãm 10 năm – điêu khắc toàn quốc lần thứ 5, diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội, từ ngày 11-12-2013 đến ngày 4-1-2014. Ngay sau khai mạc, triển lãm vắng lặng. Khách đến trong buổi khai mạc cũng vẫn chỉ quẩn quanh là người trong giới với nhau. Cách trưng bày triển lãm không có gì thay đổi so với triển lãm từ 10 hay 20 năm trước, đôi chỗ tỏ ra tinh tươm hơn, như là có thêm yếu tố nước phụ trợ cho trưng bày các nhóm tượng nhỏ, giàu tính trang trí ở sảnh trước quầy cà phê, song nhiều chỗ cũng vẫn nguyên sự cẩu thả, như là dán tên tác phẩm lên chính tác phẩm, hay trên tác phẩm vẫn còn đính nguyên tờ phiếu ghi thông tin tác giả, tác phẩm của Ban tổ chức. Ngoài tác phẩm, biển tên, không có thêm một thông tin hỗ trợ khán giả nào khác, cũng không có đội ngũ hướng dẫn viên nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thêm về từng tác giả, tác phẩm của khách tham quan. Bên cạnh việc địa điểm trưng bày ở quá xa khu trung tâm, nơi thường tập trung đông đảo khán giả quen thuộc của nghệ thuật này, cũng là khu vực của khán giả tiềm năng, công tác truyền thông cho triển lãm cũng không có gì nổi bật, không có điểm nhấn đáng gây chú ý, có chăng lại là thông tin ồn ào về chuyện từ giải nhất dự kiến thành giải khuyến khích của tác phẩm Những con chim (Thái Nhật Minh, Vĩnh Phúc)… Thêm một ồn ào liên quan đến giải thưởng, giữa rất nhiều ồn ào giải thưởng lâu nay trong các sự kiện văn hóa, văn học nghệ thuật do cơ quan nhà nước tổ chức, càng khiến cho công chúng yêu thích thêm ngần ngại, còn công chúng mới thì càng lảng tránh, bởi niềm tin của họ vào chất lượng nghệ thuật bị suy giảm đi ít nhiều.
Những vấn đề nêu trên cho thấy thực tế, công chúng số đông chưa khi nào thực sự được ứng xử như là công chúng của điêu khắc. Vì vậy, việc coi họ là đối tượng của giáo dục, nhận thức (1) về điêu khắc có lẽ chỉ càng đẩy họ ra xa với điêu khắc mà thôi.
Điêu khắc với công chúng chọn lọc
Những triển lãm điêu khắc cá nhân, nhóm diễn ra trong các trung tâm triển lãm, sảnh khách sạn hoặc gallery không có giới hạn nào về công chúng, nhưng mặc nhiên, chúng đã có một sự sàng lọc nhất định. Bước chân vào đó thường là các đồng nghiệp, bạn bè, người thân quen, báo giới, khách nước ngoài, người buôn bán, sưu tập nghệ thuật, và một số rất ít ỏi những người ham thích tìm hiểu nghệ thuật. Trong bối cảnh đặc thù ở Việt Nam, rõ ràng đó là công chúng thực sự chọn lọc.
Nhưng hàng năm, số lượng các triển lãm điêu khắc như vậy có thể đếm được trên đầu ngón tay, tuyệt đại đa số diễn ra ở Hà Nội, một phần ít ỏi ở TP.HCM. Có năm còn chẳng có triển lãm nào. Ngoài ra, có thể kể thêm tới triển lãm khu vực hàng năm của Hội Mỹ thuật Việt Nam mà trong đó, số lượng điêu khắc luôn là thiểu số. Một vài nghệ sĩ đã từng tổ chức triển lãm điêu khắc tại nhà riêng, xem đó như một cách để tự vui với thành quả lao động nghệ thuật của mình.
Số lượng triển lãm và công chúng chọn lọc đều ít ỏi nhưng lượng kinh phí bỏ ra cho một triển lãm như vậy lại có thể nói là rất nhiều đối với một hoặc một nhóm các cá nhân. Trong hoàn cảnh mà nghệ sĩ phải tự thân vận động hoàn toàn về tài chính, việc họ nỗ lực cho ra đời một triển lãm đã là rất đáng quý. Chính vì thế, nhiều vấn đề khác liên quan đến triển lãm và tác phẩm của họ đã bị bỏ ngỏ: từ quan điểm lựa chọn bày cái gì, bày như thế nào, cho đến cách thức truyền thông, việc xác định mục tiêu thương mại, khách hàng tiềm năng cũng như cách đưa thông tin đến họ,…
Gần đây, do ý thức lại về việc tìm đường ra thị trường cho điêu khắc, nói theo cách ý vị là tìm đường ra với công chúng rộng rãi hơn, một số tác giả điêu khắc trẻ đã nhóm hợp lại với nhau, cùng với một gallery thúc đẩy các hình thức mới trong sáng tác điêu khắc: thu gọn lại kích cỡ, mở rộng khả năng giao tiếp và chiếm lĩnh không gian bằng việc thay đổi cách thức đặt để, trưng bày một sáng tác điêu khắc, cũng như mạnh dạn thử nghiệm với các chất liệu khác lạ. Và ngay lập tức, họ gây chú ý đối với không chỉ trong giới mà còn với cả truyền thông rộng rãi.
Tạm kết
Từ năm 1986, Việt Nam bắt đầu đổi mới, xã hội vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng gần 30 năm trôi qua, Việt Nam hiện vẫn chưa có được một thị trường nội địa đúng nghĩa dành cho mỹ thuật, trong đó bao gồm cả điêu khắc. Lý do là Việt Nam vẫn thiếu một hành lang pháp lý tiêu chuẩn cùng một thiết chế tiêu chuẩn tạo nền tảng cho một thị trường đặc thù này. Không có thị trường sôi nổi trong nước, các tổ chức nhà nước gắn liền với mỹ thuật như bảo tàng, hội nghề nghiệp, trường đào tạo thì dường như luôn bận rộn với các hoạt động trong tổ chức của mình thay vì liên kết với nhau và cùng cởi mở hơn với đại công chúng, tìm cách thu hút họ đến với mỹ thuật và đến với nghệ sĩ. Giới chức công quyền thì hẳn nhiên là vô cùng bận bịu, trăm công ngàn việc quan trọng hơn nhiều cái việc dành thời gian mà đi thăm bảo tàng, một triển lãm mỹ thuật đang gây dư luận. Với công chúng số đông trong nước, tác phẩm mỹ thuật dường như vừa xa xỉ (vì rất đắt, tính bằng tiền đôla Mỹ) lại cũng vừa rẻ hơn cho, vì miễn phí, xem mà chẳng thu hút đông người. Lâu nay, tồn tại giữa công chúng số đông và mỹ thuật nói chung, điêu khắc nói riêng, rất nhiều khoảng cách và để có thể dần thu hẹp chúng, nếu chỉ riêng có nỗ lực của cá nhân nghệ sĩ thì chắc chắc sẽ không bao giờ thành.
Trở lại với vấn đề điêu khắc và công chúng, người viết vẫn cho rằng, trước tiên, những ứng xử với điêu khắc dành cho đại công chúng cần phải được điều chỉnh đúng hướng càng sớm càng tốt. Việc làm đó chắc chắn sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn trong cách thức công chúng nhìn nhận và ứng xử với nghệ thuật này.
_______________
1. Mục 11 trong 15 mục nội dung của Hội thảo Triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc lần thứ 5 (2003 – 2013)là: Sử dụng điêu khắc, thị trường điêu khắc và vấn đề giáo dục, nhận thức trong công chúng. Tài liệu chính thức của Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh – Triển lãm, Bộ VHTTDL.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 356, tháng 2-2014
Tác giả: Đào Mai Trang