Ðiêu khắc trẻ tự cứu mình
(Báo Sức khỏe và đời sống) Vài ba năm trở lại đây, không ít nghệ sĩ điêu khắc đã chủ động giới thiệu tới công chúng tác phẩm của mình qua những triển lãm “tự túc” chứ không chỉ trông chờ vào các cuộc vận động sáng tác của ngành văn hóa. Sự chủ động này là bước đột phá, mở ra cơ hội bình đẳng và tiến tới tự khẳng định mình của thế hệ các nhà điêu khắc trẻ!
Không “bơi” sẽ “chìm”
Do hạn chế về không gian trưng bày, lại chưa có thị trường nên những năm trước đây, các nghệ sĩ điêu khắc gần như không có “đất sống”. Họ không có nhiều điều kiện giao lưu qua các hoạt động mang tính phong trào như các triển lãm do cơ quan chức năng khởi xướng. Ngay đến Triển lãm điêu khắc toàn quốc do Bộ VH-TT&DL tổ chức cũng 10 năm rồi mới có một lần. Và không phải nghệ sĩ nào cũng có thể đem tác phẩm giới thiệu tới công chúng mà buộc phải qua một cuộc tuyển chọn, đôi khi tiêu chí và sự khác biệt về thẩm mỹ cũng làm hạn chế nhiều cơ hội. Chính sự “hạn hẹp” này cũng như sự khắc nghiệt của thị trường tiêu thụ đã khiến không ít nghệ sĩ điêu khắc phải từ bỏ đam mê của mình để dấn thân vào những công việc khác. Ngành mỹ thuật đã có lúc chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay số nghệ sĩ điêu khắc sống được với nghề, rất ít nghệ sĩ đủ kiên nhẫn đeo đuổi với những sáng tạo điêu khắc và chờ đợi cơ hội để tỏa sáng.
Thái Nhật Minh tại triển lãm điêu khắc cá nhân mang tên Những con chim.
|
Vài ba năm trở lại đây, nhiều nghệ sĩ đã bứt phá ra khỏi khuôn khổ kìm nén của những cuộc triển lãm mang tính phong trào toàn quốc để tự tạo cơ hội cho mình. Bằng chứng là họ đã liên kết với nhau để tự đứng ra tổ chức các triển lãm, chủ động giới thiệu sáng tạo của mình tới công chúng. Năm 2010, từ sáng kiến của một số nhà điêu khắc đang hoạt động sung sức nhất tại hai trung tâm nghệ thuật lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, một triểm lãm nhóm mang tên Điêu khắc Sài Gòn – Hà Nội đã được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Triển lãm thu hút được sự chú ý của công luận. Từ thành công đó, các nghệ sĩ đã mạnh dạn mở rộng triển lãm, tổ chức định kỳ 2 năm/lần, luân phiên diễn ra tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Triển lãm lần 2 đã diễn ra tại Hà Nội năm 2012 với sự quy tụ của 9 nhà điêu khắc ở cả hai miền.
Năm 2012 cũng đánh dấu sự góp mặt của triển lãm cá nhân của nghệ sĩ điêu khắc Phạm Thái Bình. Triển lãm thực sự đã góp phần cổ vũ tinh thần của các nhà điêu khắc trẻ trong việc mạnh dạn đưa những sáng tạo của mình tới công chúng. Trong tháng 4/2013 vừa rồi, họa sĩ trẻ Thái Nhật Minh cũng đã thực hiện triển lãm Những con chim, rồi triển lãm Điêu khắc trẻ 2013 diễn ra hồi đầu tháng 7 vừa qua trưng bày hơn 20 tác phẩm của 13 tác giả trẻ là thành viên Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam… Đó là những tín hiệu vui cho thấy các nghệ sĩ điêu khắc trẻ đã chủ động hơn trong việc tự cứu mình khỏi bị “chìm” giữa sự bùng nổ của nhiều loại hình nghệ thuật đương đại khác.
Cần sự chủ động của nghệ sĩ
Để có thể tự mở một triển lãm cá nhân hay ngay cả khi liên kết nhóm cùng nhau bỏ tiền túi ra tổ chức triển lãm, trưng bày, giới thiệu những “đứa con tinh thần” của mình tới công chúng thì đều không phải là điều đơn giản. Bởi chỉ riêng khâu tìm địa điểm để triển lãm đã là một bài toán khó, khó từ kinh phí thuê mặt bằng tới thực hiện. Nhóm triển lãm Điêu khắc Sài Gòn – Hà Nội chia sẻ rằng họ thực sự may mắn khi mang triển lãm ra Hà Nội đã được sự hậu thuẫn và ủng hộ của Trường Đại học Văn hóa về mặt bằng. Tất nhiên kinh phí đi lại và mọi sự chuẩn bị mang tính “bếp núc” đều bỏ ra từ nguồn cá nhân, nhưng các nghệ sĩ cảm thấy thực sự hạnh phúc vì lâu lắm mới có cơ hội được thỏa niềm đam mê. Hay như triển lãm Điêu khắc trẻ 2013, các nghệ sĩ không quản ngại đường sá xa xôi đã mang những tác phẩm cồng kềnh của mình tới tham dự. Nghệ sĩ Kù Kao Khải cho biết, để đưa tác phẩm Chuyện quê tới triển lãm, anh đã vượt hơn trăm cây số từ Ninh Bình lên Hà Nội, cẩn thận chăm chút từng chi tiết của tác phẩm bởi việc vận chuyển một tác phẩm điêu khắc vất vả hơn nhiều hàng hóa thông thường… Dù có nhiều khó khăn, nhưng các nghệ sĩ vẫn mong muốn sẽ có nhiều hơn những hoạt động tự thân như thế này hoặc có sự hậu thuẫn của Hội Mỹ thuật Việt Nam để được giao lưu, trao đổi và đến gần hơn với công chúng.
Tác phẩm Chuyện quê của tác giả Kù Kao Khải.
|
Sự chủ động của các nghệ sĩ trong việc “tìm kiếm” khán giả là điều cần thiết góp phần thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông Trần Khánh Chương cũng đánh giá cao điều này khi cho rằng “Muốn làm nghệ thuật thì nghệ sĩ phải dũng cảm, không cần thiết triển lãm phải vận động được nhiều tác giả, ai có nhu cầu thì người đó tham gia và chính những người có nhu cầu này mới là những người có khả năng sáng tác”. Chỉ những nghệ sĩ thực sự có nhu cầu giao lưu với khán giả, muốn đến gần hơn với khán giả thì mới có thể tìm hiểu về nhu cầu, sở thích của khán giả để hài hòa trong sáng tạo của mình. Tất nhiên, dấu ấn cá nhân cũng hết sức quan trọng. Để có thể tạo dấu ấn trong mắt công chúng, nghệ sĩ phải thực sự bứt phá.
Nhà điêu khắc Đào Châu Hải cũng thừa nhận rằng hiện nay, nhiều nhà điêu khắc chưa thực sự chủ động, vẫn trông chờ vào sự bảo trợ của Hội Mỹ thuật Việt Nam, mà kinh phí của Hội thì lại quá hạn hẹp. Nếu có mở được triển lãm thì cũng chỉ có thể giới hạn số người và tác phẩm tham dự. Bởi vậy, theo nhà điêu khắc Đào Châu Hải, nhất thiết nghệ sĩ phải tự vươn mình. “Muốn nghệ thuật điêu khắc phát triển, ngoài những phát triển chung kiểu phong trào như triển lãm, trại sáng tác…, nghệ sĩ phải biết tìm con đường đi riêng cho mình trên cơ sở nền tảng của sự chuyên biệt, dấn thân và có kiến thức về văn hóa” – nhà điêu khắc Đào Châu Hải cho biết.
Minh Anh
(Nguồn:http://suckhoedoisong.vn/20130809094349854p15c97/ieu-khac-tre-tu-cuu-minh.htm)