Điêu khắc trẻ: sống bằng…đam mê

(Toquoc)- Sáng tạo bằng đam mê rồi tự bỏ tiền đưa tác phẩm của mình đến triển lãm. Các nhà điêu khắc trẻ đang sống bằng…niềm đam mê của mình.
Lần đầu tiên, Câu lạc bộ nghệ sỹ trẻ Việt Nam tổ chức triển lãm chuyên đề điêu khắc trẻ. 22 tác giả trẻ, thành viên Câu lạc bộ nghệ sĩ trẻ Việt Nam đã trưng bày 33 tác phẩm của mình. Các tác giả khác nhau về ngành học (kiến trúc, hội hoạ, điêu khắc) nhưng họ giống nhau ở chỗ: họ đều rất trẻ và rất đam mê với sự lựa chọn đầy gian khó của mình.
Những cái đẹp gợi nghĩ
Thể hiện những cái nhìn mới đầy ấn tượng, những cách bày tỏ cảm xúc rất riêng của từng tác giả là những điểm nổi bật tại triển lãm lần này.
Không cầu kỳ về màu sắc, chỉ đơn giản là gam màu trắng sọc đen, biểu tượng của màu của áo tù để nhà điêu khắc trẻ Văn Thư thể hiện tác phẩm “Nhà tù” của mình. Hay như “Vỏ bọc” của Lương Đức Hùng là một người đàn ông bé xíu trong những tầng lớp áo làm vỏ bọc. Ẩn ý hơn nữa là một quả thủy lôi đang được buộc dây sẵn sàng lao đi. Tác phẩm được đặt tên là “Cá dữ”. Nhỏ bé, dung dị, giàu giá trị biểu cảm, những tác phẩm của các tác giả trẻ gợi nhiều suy nghĩ để người xem tự cảm, tự hiểu, tự ngẫm về cuộc đời.
Tác phẩm Nhà tù của nhà điêu khắc trẻ Anh Thư
33 tác phẩm với các chất liệu khác nhau như Đồng, Đá, Nhôm, Nhựa, Sắt, Gỗ, Gốm, Gang, Giấy, các tác giả trẻ đã đem đến hơi thở mới cho mỹ thuật Việt Nam để công chúng hiểu thêm, điêu khắc không chỉ là tượng, là người. Đánh giá của nhà điêu khắc Mai Thu Vân cũng giúp người xem hình dung lao động nghệ thuật và phong cách của các tác giả trẻ: “Tỉ mẩn gọt từng thớ gỗ, mài từng gợn đá, cân nhắc từng mối hàn, đắn đo độ chảy nhòe của men hay những lựa chọn trong tạo chất bề mặt cho nhôm, đồng, sắt, gỗ, giấy, plastic, thủy tinh…Người ke cẩm chau truốt từng chi tiết, người buông lơi tưởng như đơn giản, lược bỏ hết mọi rườm rà chỉ để khoe chút duyên ngầm của khối. Người giữ nguyên vẻ mộc mạc của gỗ, người lại muốn thay đổi cảm nhận chất liệu bằng cách phủ sơn. Người đuổi theo hình thể, người lại đi theo cảm xúc của những chuyển động khối. Người biểu đạt những giằng xé nội tâm mạnh mẽ, người chỉ đơn giản thể hiện cái cuộc sống thực vốn có…Người duy trì chất liệu truyền thống: Gỗ, đá, đồng, gốm. người thể nghiệm chất liệu mới: Thủy tinh, plastic, ánh sáng…”
Có thể sẽ chẳng còn gì phải bàn về chất lượng của các tác phẩm, bởi chính nhà điêu khắc Mai Thu Vân đã nhận xét: “Đẹp hay chưa đẹp? mới hay không mới? Có thể chưa cần bàn, cái đáng trân trọng ở lần trưng bày này có lẽ là lòng yêu nghệ thuật và ham muốn làm việc của họ”.
Đúng là không thể không đánh giá cao sự sáng tạo của họ giữa thời khó khăn của nhiều loại hình nghệ thuật, đặc biệt là điêu khắc.
Sống bằng… đam mê
Không có một chế độ gì để đãi ngộ, cũng chẳng có lương, thưởng, 22 tác giả trẻ cùng làm triển lãm là vì muốn chứng tỏ họ vẫn đang sáng tạo, không ngừng sáng tạo.
Cũng giống như bao triển lãm khác, triển lãm điêu khắc trẻ lần đầu tiên tổ chức cũng chỉ đông vui trong ngày khai mạc. Tuy công chúng cũng không quan tâm nhiều song không phải là không có người quan tâm và khích lệ. Giữa không gian của những tác phẩm ấy, đôi lúc cũng có một vài người xem ghé qua. Đó như một sự khích lệ, như một niềm an ủi những người làm nghệ thuật.
Một trong những vị khách ít ỏi đến thăm triển lãm
Anh Huy Thành- Giáo viên trường Hoàn Kiếm, Hà Nội là một trong số ít vị khách đến thăm triển lãm. Anh cho biết, nhà ở gần Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền nên thỉnh thoảng anh lại đi bộ đến để thưởng thức các triển lãm. Lần xem này cũng vậy, anh đến theo thói quen xem có gì mới. Và anh thật sự ngạc nhiên trước những tác phẩm điêu khắc mới mẻ, sống động, nhiều ẩn ý nhưng cũng dễ hiểu của các nhà điêu khắc trẻ. Anh chia sẻ: “Nghĩ cũng thương những người làm nghệ thuật ở nước mình, đặc biệt là các bạn trẻ. Họ tự đến triển lãm, trưng bày, bày chán thì lại mang về. BTC đứng ra bảo trợ địa điểm triển lãm, kinh phí cũng không có để hỗ trợ nhiều hơn”.
Bởi thế mới có chuyện, nhiều tác phẩm lớn không thể tham dự các triển lãm, các festival do kinh phí vận chuyển cao, địa điểm triển lãm không đủ không gian chứa… Những điều tưởng như vô lý vẫn tồn tại như một điều “phải chấp nhận” của nghệ thuật Việt Nam. Và như thế, một nền nghệ thuật thiếu đỉnh cao, thiếu sự sáng tạo, thiếu tác phẩm đột biến cũng là điều dễ hiểu.
Song vẫn phải đánh giá cao những nỗ lực của những nhà điêu khắc trẻ. Bởi trong số họ, tất cả đều có tuổi đời dưới 35. Có người còn là sinh viên. Dù còn những khó khăn nhưng họ đã làm việc và chia sẻ đam mê sáng tạo của mình không tính toán. Đó là điều đáng quý cần có ở bất cứ một lĩnh vực nghệ thuật nào. Bởi chỉ khi có sự đam mê nối tiếp của những người trẻ thì sức sống của bộ môn nghệ thuật ấy mới tiếp tục được nối dài và cùng với thời gian, hy vọng sẽ gặt hái được những thành tựu mới. Ngay sau khi triển lãm điêu khắc trẻ khép lại, đầu tháng 6 này, triển lãm mỹ thuật trẻ sẽ tiếp tục diễn ra tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Điều đó cho thấy, Hội Mỹ thuật Việt Nam vẫn tin tưởng và nâng đỡ những người trẻ.
Bài&ảnh: Dạ Minh
(Nguồn:http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/14/my-thuat/108284/dieu-khac-tre-song-bang%E2%80%A6dam-me.aspx)