CHỌN MÌNH TRONG XÃ HỘI
Phan Cẩm Thượng
Nhà phê bình nghệ thuật
———————————————————
Triển lãm nhóm điêu khắc New Form 1
Thời gian: Từ 8/11 tới 6/12/2013.
Địa điểm: Vietnam Sculpture Gallery, 12 Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Khai mạc: 18h ngày 8/11/2013.
Art Talk: 14h ngày 10/11/2013, tại 12 Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Nhóm 08 tác giả: Nguyễn Huy Tính, Khổng Đỗ Tuyền, Thái Nhật Minh, Lê Lạng Lương, Trần Trọng Tri, Phạm Thái Bình, Nguyễn Hữu Thái, Phạm Bảo Sơn.
Chúng ta đang làm nghệ thuật trên một mảnh đất trống rỗng cả về văn hóa lẫn tiền bạc. Đó có thể là nói hơi quá với người này người kia, nhưng nghĩ cho cùng thì không có gì thuận lợi cho người làm nghệ thuật cả, không cơ sở xã hội cho điêu khắc, không thị trường, không có đầu tư, tài trợ và không cả người xem. Thực tế khắc nghiệt như vậy đòi hỏi các nhà điêu khắc những cố gắng vượt bậc, tự khẳng định mình trong xã hội, tự xây dựng một nền văn hóa và đời sống văn hóa riêng cho điêu khắc, một ngành tưởng chừng như không cần thiết trong xã hội thị trường, nhưng lại gợi ý rất nhiều cho design, cho kiến trúc và cho tư duy hình khối – không gian hàng ngày.
Vietnam Sculpture Gallery ra đời cùng với buổi khai mạc triển lãm New Form 1
Khi làng quê truyền thống đang bị hủy hoại và biến đổi thành những tiểu đô thị không có quy hoạch với những ngôi nhà sặc sỡ đủ kiểu, khi những đô thị lớn phát triển hoàn toàn lộn ngược – người ta xây nhà trước, rồi mới xây đường và công trình ngầm, mà đáng nhẽ là phải ngược lại. Những xây dựng ấy cũng không có chỗ nào cho nghệ thuật, và không liên quan đến nền văn hóa Việt Nam, nên điêu khắc thật là bơ vơ. Nhà điêu khắc đáng nhẽ phải sinh ra từ một nền kiến trúc nào đó, anh ta tư duy trên cơ sở của những trường phái kiến trúc, cảm nhận vai trò của mình là kiến trúc sư tinh thần. Trong chúng ta ai có những cảm nhận ấy, chắc là không dễ nhận biết. Ở đó, nhà điêu khắc phát triển cái cá tính của mình, áp đặt cái cá nhân mình vào trong không gian xã hội. Phương diện không gian đời sống xã hội được tổ chức bằng các kiến trúc sư và điêu khắc gia.
Tác phẩm “Những con mèo” Giấy bồi, Keo, Dây thép của Thái Nhật Minh
Chúng ta đang thoát thai từ cái nhìn cụ, trực quan và nặn đắp cơ bắp cụ thể. Tùy từng người thoát ra lâu hay chóng, có lẽ là từ hai thập niên tới vài năm trở lại đây, và đang tìm tòi những hình thể mới, không gian mới, cùng sự liên quan giữa chúng, tìm tòi những chất liệu trong đời sống thường ngày, không nhất thiết là những chất liệu điêu khắc truyền thống. Bây giờ thì tất cả những gì gọi là vật chất đều có thể sử dụng làm bức tượng được, cũng như tất cả mọi hình dáng đều có thể trở thành điêu khắc, thậm chí không còn là, không phụ thuộc vào điêu khắc nữa. Chừa ra vẫn còn thiếu một đời sống cá nhân, một con người hoàn toàn cá nhân, có thể áp đảo đám đông, bắt họ chấp nhận thẩm mỹ của mình, hoặc hoàn toàn không hiểu gì về mình. Vẫn còn thiếu cái đó, vì nó phụ thuộc vào sự dám sống hoàn toàn cho mình, cô độc đi về nghệ thuật. Cảm quan của các nhà điêu khắc vẫn từ làng quê, sự tiếc nuối nào đó trong tâm hồn về lũy tre, dòng sông, mái lá và sự bình yên trong tiếng chuông chùa.
Tác phẩm “Kết hợp 7” Gỗ, Thủy tinh, Composit, Đèn Led của Phạm Bảo Sơn
Giữa điêu khắc truyền thống và điêu khắc hiện đại bắt đầu từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương có những điểm khác nhau căn bản về phương pháp tạo hình, nhưng cơ bản đều hướng đến chủ nghĩa hiện thực, coi việc mô tả con người làm chính, dù là lối tạo hình phương Tây thiên về khoa học và sự giải phẫu cơ khối chính xác còn lối tạo hình phương Đông trong các đền chùa mang tính tượng trưng nhiều hơn. Nhiều nghệ sỹ Đương đại lại coi đó là rào cản của việc tự nhiên hóa ngôn ngữ điêu khắc hơn là khuôn khối hình điêu khắc vào cơ thể con người. Việc vận dụng và thoát thai từ hai mặt đó, có thể đem lại những kết quả tốt đẹp, lại cũng có thể đi xa cái gọi là điêu khắc, nếu thiếu sự nắm bắt không gian về mặt tinh thần. Không gian của điêu khắc truyền thống được quy định bởi kiến trúc tôn giáo, không gian của điêu khắc cận và hiện đại được quy định bởi công sở, quảng trường, Villa và những phòng triển lãm chủ yếu ưa thích các tượng tròn. Sự thất bại hiển nhiên của tượng đài Việt Nam, cho thấy các nhà điêu khắc hoàn toàn không nắm được, làm chủ được và dường như là không có những quyền hành chính với nơi mà pho tượng của họ đặt vào. Các nhà điêu khắc của nhóm New Form này ngoài những xưởng điêu khắc cá nhân, cũng không có gì chủ động hơn, khi các không gian cho điêu khắc rất thiếu chuyên nghiệp, những phòng bầy của bảo tàng và gallery cũng chưa đáp ứng được bao nhiêu, và cái đó quy định trở lại sự tưởng tượng, những ý tưởng thuần túy khi chưa có tác phẩm. Cái đó dẫn đến sự tùy theo, sự thêm thắt, kéo dài, bóp ngắn khối hình điêu khắc, sáng tạo dựa trên sự đã rồi của không gian.
Tác phẩm “Phong cảnh I”, Nhôm, Giấy bồi, Sắt Hàn của Lê Lạng Lương
Tác phẩm “Phong cảnh II”, Nhôm, Giấy bồi, Sắt Hàn của Lê Lạng Lương
Vật liệu mới là sự giải phóng đáng kể đối với nhà điêu khắc hiện tại. Họ có thể sử dụng những vật liệu mà trước kia các nhà điêu khắc không bao giờ nghĩ tới: thủy tinh, giấy, nhựa, đèn điện, chất lỏng, ống kim loại ngâu nhiên của xây dựng…nói tóm lại là sự tự do với hình khối và quan niệm về thế nào là điêu khắc thay đổi, cũng mở đường cho việc sử dụng đa chất liệu trong điêu khắc đương đại. Tuy nhiên, không gian hạn chế, tiền hạn chế, công nghệ hạn chế dễ dẫn tới sự nghèo nàn trong cách sử lý vật liệu mà nhìn qua cứ tưởng là mới. Rõ ràng là còn lâu các nhà điêu khắc New Form mới sử dụng và đạt trình độ sử dụng các công nghệ cao trong điêu khắc hiện tại và hơn nữa là các chương trình thiết kế trên máy tính.
Tác phẩm “Những cái kén” Dây đay, Dây thép, dây đồng của Khổng Đỗ Tuyền
Tác phẩm “Bình Phong” In nox, Đèn Led của Nguyễn Huy Tính
Tôi không rõ các nhà điêu khắc New Form coi ánh sáng là vật liệu hay là không gian, hay là yếu tố tương tác giữa điêu khắc và môi trường, nhưng tôi thực sự coi đó là vật liệu điêu khắc. Một thứ vật liệu không nắm bắt được và cũng có thể làm một tác phẩm điêu khắc hoàn toàn là ánh sáng. Rõ ràng là con đường này thênh thang, nhiều lựa chọn, nhưng cũng đòi hòi sự dẫn dắt của ý tưởng để nó khỏi lọt thành trò chơi hay nghệ thuật sắp đặt (Installation art).
Tác phẩm “12 m thẳng đứng” Ống Sắt, Composit, đèn led của Trần Trọng Tri
Tác phẩm “Đợi bố về” Đồng, Gỗ, Composit, Đèn Led của Phạm Thái Bình
Albert Camus có nói: “Không thể chọn được xã hội, mà chỉ có thể chọn mình trong xã hội”. Ta sinh ra ở thời phong kiến thì có sẵn ông vua và ta đành chọn trong bốn giai tầng Sỹ – Nông – Công – Thương mà thôi. Thời của thông tin và thế giới phẳng hôm nay vẫn còn nguyên sự bất bình đẳng ngày càng sâu sắc, tuy vậy các nghệ sỹ có điều kiện hơn để xem và hiểu các đồng nghiệp đang sống và làm việc trên thế giới, để cảm nhận những giá trị nghệ thuật tiên tiến nhất, cũng như cái bất biến thuộc về con người, mà không ở đâu phải mặc cảm về sự tiến bộ hay lạc hậu cả.
Hình thể mới của chúng ta cần ra đời trong sự mạnh mẽ đi vào con người và thế giới như vậy. Cứ phát triển cá nhân mình trong hoàn cảnh không có gì cho cá nhân và nghệ thuật, và không từ chối bất cứ thứ gì quanh mình – mảnh đất khổ sở này cũng là mầu mỡ cho đời sống nghệ thuật.
Một số hình ảnh của buổi khai mạc New Form 1
Phan Cẩm Thượng
Nhà phê bình nghệ thuật
2013