Chim… của Thái Nhật Minh
(Báo mới) – Mô típ chim trong điêu khắc không mới và cũng chả lạ. Tuy nhiên hội tụ tới hơn 150 hình tượng chim các thể loại theo phong cách tối giản trong một triển lãm chuyên chim thì cũng là điều thú vị. Dưới góc nhìn nghệ thuật của Thái Nhật Minh, chim to, chim nhỏ, chim béo chim gầy, chim thức, chim ngủ.v.v. hiện ra khá độc đáo và sinh động.
Là nghệ sỹ trẻ theo đuổi phong cách tối giản trong điêu khắc. Trong hành trình nghệ thuật của mình, khởi đầu với những tác phẩm chập chững mang hơi hướng tối giản trước đây (seri voi, sên, mèo, chân dung, hạt mầm) tới sắp đặt (“36 thứ chim” – festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc 2011)…Thái Nhật Minh dần hoàn thiện và định hình một phong cách riêng cho mình. Triển lãm cá nhân lần đầu tiên này, có thể coi như là một dấu mốc tổng kết bước đầu quá trình theo đuổi phong cách tối giản trong điêu khắc của Thái Nhật Minh.
“Con voi I”, 60cm, đồng, 2008
“Con voi VIII”, 85cm, gỗ, 2011
“36 thứ chim” (300 x 300 x 300 cm), gỗ, sắt hàn, nhôm đúc, sợi chỉ, dây thép, (trích đoạn), 2011, Festival Mỹ Thuật Trẻ 2011
Theo như lời Thái Nhật Minh bộc bạch, thì “ từ những mẩu gỗ thừa tại một xưởng mộc đã gợi ý cho tác giả về hình tượng những con chim… Và chim chỉ là hình tượng vay mượn để bày tỏ cảm xúc cá nhân hàng ngày. Sự phát triển của hình tượng sau đó và tự thân câu chuyện đã thôi thúc tác giả hướng tới suy nghĩ về những không gian mới, bầu trời mới nơi có những quỹ đạo bay liên tục của những con chim”
Ấn tượng đầu tiên khi bước vào triển lãm “Những con chim” của Thái Nhật Minh là một không gian …khá “rỗng” với ba “cột” ken đặc chim đậu đặt trong phòng. Đó là những cột vuông, cao khoảng 3m rộng 45 đến 50cm, làm bởi các thanh tre thẳng, cứng và đứt đoạn. Các cột này chính là biến điệu từ những chiếc lồng chim và được dựng cao lên tới sát trần nhà triển lãm. Hơn 150 hình tượng chim các loại được tác giả sáng tác theo phong cách tối giản với đủ những dáng điệu và tâm trạng khác nhau, đậu kín, chen chúc đan cài tầng lớp trên cột tạo thành điểm nhấn ba “cột chim” đặc và tĩnh trong một không gian “rỗng” gây nên hiệu ứng tương phản khá thú vị trong phòng.
Ba “cột chim” đặc trong không gian “rỗng”
Trong lời đề tựa tại triển lãm Thái Nhật Minh chia sẻ “Mỗi con chim đều gợi những cảm xúc khác nhau, có thể là nặng nề, căng thẳng, cục mịch hay thanh thoát.., được thể hiện ở dạng khối cô đọng. Đây là những gợi ý về hình tượng nhằm đưa đến cho người xem các tín hiệu để họ nhận ra sự hiện diện và cảm giác đa chiều về khối. ở một không gian nào đó, mỗi hình thể có thể đứng hoàn toàn độc lập. Nhưng ở triển lãm này tôi quyết định bỏ qua đi cái riêng của từng tác phẩm, coi “những con chim” chỉ là những “vật thể” trong một không gian lớn, để hướng tới xây dựng một không gian ý niệm có tính thống nhất và xuyên suốt mạch sáng tác này.
Một số chú chim trong bầy hơn 150 con của Thái Nhật Minh
Bước tiếp sang phòng kế tiếp (triển lãm “Những con chim” bao gồm 2 phòng liên thông nhau) người xem như khựng lại khi toàn bộ không gian phòng bị lấp đầy bởi những nan tre nối liên tiếp xoắn lấy nhau như mớ bòng bong, uốn thành những đường lượn dạng cung tròn, động và liên tục chiếm lĩnh toàn bộ các khoảng trống. Khán giả sẽ phải luồn mình tránh những nan tre nếu muốn đi tiếp vào trong phòng. Theo Thái Nhật Minh thì những đường uốn lượn đan kín phòng đó là sự biểu hiện ước lệ như quỹ đạo bay của những chú chim trong không gian rộng. Vậy là đối lập với cái trống rỗng, đặc và tĩnh ở phòng trưng bày thứ nhất thì phòng “quỹ đạo bay” này lại tạo một hiệu ứng thú vị bất ngờ khác, đó là sự chuyển động, sự chiếm hữu toàn bộ không gian phòng, nhưng lại rất “rỗng”.
Những nan tre uốn thành những đường lượn dạng cung tròn, động và liên tục chiếm lĩnh toàn bộ các khoảng trống trong không gian
Đặt hai không gian đối lập nhưng không biệt lập cạnh nhau, Thái Nhật Minh đã tạo ra được một không gian nghệ thuật khá thú vị. Thú vị ngay từ sự kết nối những yếu tố đối lập thuần túy trong nghệ thuật cho tới sự so sánh ý nhị về ý. Một bên là cảnh “cá chậu chim lồng” tù túng, một bên là bầu trời rộng lớn với những cánh chim tự do vẫy vùng. Có thể nói hai không gian trong triển lãm như hai vế của một đẳng thức. Đối lập đấy, nhưng lại không thể thiếu nhau, gắn kết với nhau trong một tổng thể không thể tách rời.
Có thể nói triển lãm “Những con chim” của Thái Nhật Minh là một triển lãm khá dễ xem, thông điệp đưa ra cũng nhẹ nhàng. Người xem có thể nhẩn nha ngắm nhìn những chú chim với các hình thù khác nhau, hay thích thú luồn lách trong mớ bòng bong như chò chơi trẻ con. Người có nghề thì thấy thú vị với cách chơi khối, chơi không gian, chơi sự liên kết. Người suy tư thì thích thú với với ý nghĩa ẩn dụ của triển lãm (tuy không mới).v.v. Tóm lại là một triển lãm… không đau đầu và nhiều người dễ xem, đúng như điều mà Thái Nhật Minh mong muốn “Tất cả không gian này chỉ nhằm gợi lên những cảm giác và suy tưởng, còn cảm nhận thực sự tôi muốn dành cho khán giả”.
Triển lãm kéo dài từ 21 – 27. 4. 2013 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội)
(Nguồn:http://www.baomoi.com/Chim-cua-Thai-Nhat-Minh/52/10873390.epi)