Chất liệu và tác phẩm điêu khắc
(Tạp chí Mỹ thuật) Triển lãm điêu khắc được đánh giá trong không gian chung của đồ họa, điêu khắc, trang trí là được mùa.
Giải thưởng cao nhất, giải A thuộc về tác giả Lương Văn Việt với tác phẩm Hạnh phúc bằng sắt hàn. Anh khéo léo kết hợp giữa những mảng sắt tấm và sắt tròn cũng như hai màu đen đỏ để tạo sự hòa hợp trong tạo hình. Nếu như tác phẩm này được làm to hơn và đặt ở trong một địa điểm có không gian thích hợp thì hiệu quả còn nhân lên rất nhiều.
Tiếp theo là 3 tác giả được giải C là Trần Trọng Tri với Cảm xúc từ một kiến trúc, Đối diện của Khổng Đỗ Tuyền và Vượt rào của Nguyễn Huy Tính. Bốn giải chính thức đều thuộc về những tác giả trẻ có nhiều hoài bão muốn đẩy ngôn ngữ điêu khắc vượt lên trong cái nhìn hiện đại.
Các tác phẩm đều có sự tìm tòi, mỗi người đều muốn tìm cho được cái nét riêng, cái độc đáo của bản thân mình. Nguyễn Nguyên Hà với nhóm tượng Rừng bằng chất liệu đá và Inốc được bày dưới dạng xếp đặt. Tác giả lấy những viên đá cuội có chọn lọc đem khoan rồi dùng những cây inốc cắm vào và xếp trên những viên đá 1×2 rải trên sàn nhà hình quả đồi. Với sự xếp đặt như vậy gây cho người xem một thoáng không gian mênh mông và ấn tượng, hay như tượng Sen rủ của Thái Nhật Minh cũng làm cho người xem phải quan sát kỹ để thưởng thức khi anh dùng đá và sắt là hai thứ rất nặng để biểu hiện sự nhẹ nhàng của sen. Về chất liệu đồng đúc có 3 tác giả Hòa Bình của Lê Liên Khối chuyển 9 của Vương Học Báo và Bản tình ca mùa xuân của Vân Thuyết. Những tác phẩm trên đều là những người tỏ ra có tay nghề vững và nắm chắc chất liệu mà mình diễn tả để đi trên mạch riêng mà các tác giả đã chọn từ trước tới nay.
Có hai loại chất liệu được các nhà điêu khắc dùng nhiều nhât là đất nung, gốm và Composit.
Tượng đất nung và gốm năm nay không có đột biến. Tuy nó phụ thuộc vào kỹ thuật sử dụng chất liệu, nhưng cũng chưa có tác phẩm nào vượt ra được tầm của những tác phẩm trong các kỳ triển lãm trước. Đất nung là một chất liệu lợi thế dễ gây độc đáo cho tác phẩm điêu khắc ở nước ta, nhất là trong điều kiện về đất và kỹ thuật nung cũng như màu men rất phong phú ở các lò gốm. Có lẽ các nhà điêu khắc vẫn đeo đuổi đất nung từ trước đến nay nên có những cuộc gặp gỡ, trao đổi để tìm ra những giải pháp… giúp cho tượng đất nung gây hiệu quả cao mà vẫn giữ được ngôn ngữ của tạo hình điêu khắc.
Composit thực ra cũng chỉ là vật liệu để chuyển tiếp sang các chất liệu khác như thạch cao. Nhưng vì nó có lợi là không vỡ và nhẹ dễ vận chuyển. Cuối cùng tượng composit vẫn phải làm giả các chất liệu đá, đồng cho tác phẩm của mình để gây hiệu quả thẩm mỹ.
Lâu nay, chúng ta không nhận tác phẩm bằng thạch cao, lý do giản đơn của ban tổ chức là sợ vỡ. Nhưng tác phẩm điêu khắc làm bằng chất liệu thạch cao nó có cái đẹp riêng của nó. Bởi vì sau khi đổ từ tượng đất ra được thạch cao tác giả có thể tự sửa chữa những gì mình chưa ưng ý nhất là hoàn thiện khối bằng cách đắp thêm hoặc lấy bớt đi bằng các công cụ như nạo răng cưa, mài nhẵn v.v… Nhất là việc chỉnh khối bằng ánh sáng đèn, nến v.v… Đó là một cách làm mà nhiều nhà điêu khắc thế hệ trước chúng ta đã thực hiện và có hiệu quả được bày trong các bảo tàng.
Chất liệu luôn là nguồn cảm hứng, thích thú khi các nhà điêu khắc bắt đầu nghĩ đến trước khi sáng tác. Vì chất liệu nó nâng giá trị của nội dung tác phẩm, nó cũng là hình với bóng của tác phẩm. Mong rằng năm tới các nhà điêu khắc sẽ quan tâm nhiều đến chất liệu và ban tổ chức cũng sẽ nhận trưng bày cả những tác phẩm bằng chất liệu thạch cao.
Lưu Danh Thanh
(Nguồn:http://www.vietnamfineart.com.vn/Story/Tapchimythuat/cavandemt/2008/9/1851.html)