Ấn tượng điêu khắc 2013
Bài và ảnh: LÊ ĐÔNG HÀ (Báo Quân đội nhân dân)
__________________________________________________
Năm 2013, ngành điêu khắc nước nhà có điểm nhấn là cuộc Triển lãm điêu khắc toàn quốc lần thứ 5 được tổ chức tại Hà Nội. Đây là triển lãm thường kỳ, 10 năm 1 lần. Đã 50 năm trôi qua, điêu khắc Việt Nam dường như đang được làm mới với đội ngũ sáng tác trẻ.
Các tác phẩm tham dự triển lãm điêu khắc toàn quốc lần thứ 5 đang được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội trong những ngày qua đã nhận được sự quan tâm chú ý của công chúng yêu nghệ thuật. Quả thực, đây là cuộc triển lãm có nhiều điều phải suy ngẫm bởi đây là “mốc” 50 năm nhìn lại điêu khắc Việt Nam và cũng là đợt “tổng duyệt” đội ngũ sáng tác, tìm kiếm khuynh hướng thẩm mỹ tương lai.
50 năm trước, năm 1973, triển lãm điêu khắc toàn quốc được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội, có 49 nghệ sĩ tham dự. Đến 10 năm sau, trong triển lãm điêu khắc toàn quốc lần thứ 2, năm 1983, con số tác giả cũng không quá 100 người. Năm 2013, trong triển lãm điêu khắc toàn quốc lần thứ 5 đã có 352 tác giả với 675 tác phẩm (Ban tổ chức đã lựa chọn 286 tác phẩm của 230 tác giả trưng bày trong triển lãm).
Một góc triển lãm điêu khắc toàn quốc 2013. |
Trong một cuộc hội thảo về điêu khắc mới đây, nhiều nhà phê bình mỹ thuật đã đặt vấn đề tổ chức triển lãm điêu khắc toàn quốc 5 năm một lần. Ý tưởng đó, xuất phát từ việc vào thời điểm hiện tại, chúng ta đã có đội ngũ những người sáng tạo đông đảo, số lượng tác phẩm nhiều.
Đối với ngành điêu khắc, số lượng tác phẩm nhiều có ý nghĩa lớn. Hãy hình dung, nếu trước năm 1990 các tác phẩm hầu hết được làm bằng thạch cao, gỗ, đất nung… với xu hướng “đắp” là chính thì ngôn ngữ và cách thể hiện điêu khắc hiện nay đã thay đổi nhiều. Về chất liệu, có các chất liệu truyền thống như gỗ, đá, kim loại, đất… giờ còn có cả những chất liệu sinh học, chất hữu cơ. Có tác giả còn nuôi những con cá cảnh ngay trong chính tác phẩm của mình (tác phẩm Thế giới ảo, tác giả Nguyễn Văn Thành), hay chất liệu tổng hợp để tạo ra những bức tượng giống như người thật (Ngóng của Trần Văn Thức), hoặc dễ gặp hơn là chất liệu nhựa tổng hợp composite, bột đá ép khuôn… Có thể nói rằng, với sự phát triển về chất liệu đã cho phép nghệ sĩ thả sức tưởng tượng và thể hiện được sự tưởng tượng đó. Và đây là nguyên nhân chính tạo ra sự “tăng trưởng” đột biến về số lượng tác phẩm.
Khán giả xem tác phẩm “Ngóng” của Trần Văn Thức. |
Trước đây, không một nhà điêu khắc nào có đủ tác phẩm để tổ chức triển lãm cá nhân, thì đến đầu thế kỷ 21 này, đã xuất hiện nhiều tác giả trẻ (dưới 35 tuổi) tổ chức triển lãm riêng. Xu hướng mới và góc nhìn trẻ đang tạo ra khuynh hướng thẩm mỹ mới, xu hướng điêu khắc mới. Nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo nhận xét: “Lực lượng chủ đạo làm nên một triển lãm điêu khắc chững chạc bề thế, hoành tráng và thanh xuân thuộc thế hệ những tác giả trẻ dưới 35 tuổi”. Ông cũng đã thống kê được 82 trong 230 tác giả có độ tuổi dưới 35, và 16 trong số 21 tác giả đoạt giải có độ tuổi dưới 35. So sánh hai con số này để thấy, nhiều gương mặt trẻ đã chiếm ưu thế về giải thưởng.
Vậy là tác phẩm nhiều, tác giả trẻ, đang là xu hướng mới. Vậy tác giả trẻ thì có gì đặc biệt trong diện mạo của điêu khắc Việt Nam hiện đại? Đó là cách thể hiện tư tưởng. Về kỹ thuật, Tiến sĩ ngành mỹ thuật Ngô Tuấn Phong cho rằng, đánh giá tác phẩm điêu khắc hiện đại dựa vào mấy yếu tố: Ý tưởng, phong cách thể hiện, phản ánh cuộc sống. Đó là mặt mạnh mà các tác giả trẻ đang “ấn định” cho nền điêu khắc hiện đại Việt Nam. Có thể kết luận rằng, điêu khắc hiện đại Việt Nam là sân chơi của những ý tưởng. Xu hướng này minh chứng tầm nhìn của điêu khắc Việt Nam đã vươn ra quốc tế, hòa mình vào dòng chảy mỹ thuật đương đại của thế giới.
Chuyện bên lề một chút, có người hỏi thế này: Những người làm điêu khắc có bán được tác phẩm không? Đó là một câu hỏi thú vị. Bởi điêu khắc không giống tranh đồ họa, dễ dàng được bày bán ở các galery. Người làm điêu khắc cũng rất hiếm có cơ hội bán tác phẩm. Thay vào đó, họ đi tìm kiếm những dự án tượng đài. Tất nhiên cũng phải kể tới một “kênh” mua tác phẩm điêu khắc là các bảo tàng mỹ thuật, song cũng rất hiếm. Những nhà điêu khắc “sống bằng nghề” của Việt Nam chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng đó lại đang là chuyện cũ.
Các nhà điêu khắc hiện nay có nhu cầu thể hiện ý tưởng rất cao, chuyện “cơm áo gạo tiền” dường không tác động nhiều đến cuộc chơi này. Nhà điêu khắc thế hệ 8X Trần Văn Thức chia sẻ: “Nhà văn dùng ngòi bút viết những câu chuyện về hiện thực. Còn tôi, tôi dùng đôi tay nhào nặn làm ra những tác phẩm, để kể những câu chuyện đời thường của tôi”. Với cách nghĩ như vậy cùng với tài năng, nhiều tác giả đã khẳng định phong cách rất sớm. Có thể điểm qua những tác giả trẻ như Trần Văn An, Ku Kao Khải, Trần Việt Hưng, Vương Văn Thạo, Thái Nhật Minh, Hà Minh Chiến, Phan Văn Tiến… Đó là lớp tác giả được nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo xếp vào thế hệ thứ 4 và thứ 5.
Tác phẩm Những con chim của Thái Nhật Minh đã đoạt giải nhất, song trước ngày trao giải, Ban tổ chức phát hiện tác phẩm này “giống phong cách” tác phẩm Birds (Những con chim) của Keyvan Fehri (I-ran). Ban tổ chức đã trao giải khuyến khích thay vì giải nhất cho Thái Nhật Minh. Theo nhiều nhà phê bình mỹ thuật, đây là sự cố đáng tiếc và cũng còn phải bàn thêm. Song, dù có vậy, Những con chim của Thái Nhật Minh cũng đã thể hiện được nhiều ý tưởng đẹp. Ngoài ra, 2 tác phẩm giải nhì: Chuyện quê (Ku Kao Khải) và Lớp vỏ (Trần Văn An) cũng là những tác phẩm hay. Có thể nói, triển lãm điêu khắc toàn quốc lần thứ 5 đã tạo được ấn tượng đẹp với công chúng yêu nghệ thuật, nó đáng được coi là sự kiện nổi bật của ngành văn hóa năm 2013.
Nguồn: http://www.qdnd.vn/qdndsubsite/vi-vn/61/43/218/443/443/285543/Default.aspx