Danh hão ba gang
Phan Cẩm Thượng (Báo Thể Thao & Văn hóa)
—————————————————————–
(Nhân đọc bài viết Xôn xao vì giải Nhất thành… “giải bét”, Thể thao & Văn hóa ngày 13/12/2013 )
Hôm qua, ngồi uống trà ngoài đường với ông hàng xóm Đỗ Trung Lai, ông đọc và chép cho tôi một đoạn thơ trong bài Ru cháu: Muôn lời ấy, ông dùng ru cháu vậy/ Mắt cháu ông như đôi ngọc dưới trời/ Mai khôn lớn có đi làm dự án/ Gặp khi buồn, cháu nhẩm lại cho vui/ Mà nhớ nhé, đừng đem thuê hội thảo/ Dẫu trong tay cháu có cả ngàn vàng/ Mạ vàng chữ, chữ thành ra vàng giả/ Chữ chui vào trong túi ba gang/ Và ông hóa thành ông ba gang chữ/ Ba gang lời, danh hão cũng ba gang/ Gặp lúc biến, cầm vàng ròng đổi kiếm/ Thì hỡi ôi, tay toàn giấy mạ vàng…
Nhân nhà điêu khắc trẻ Thái Nhật Minh mang tác phẩm đến Triển lãm Điêu khắc toàn quốc năm 2013, những tưởng được giải Nhất, nhưng bất chợt, hội đồng nghệ thuật thấy tác phẩm của anh hao hao giống một tác phẩm nào đó của nước ngoài, bèn đánh tụt xuống giải khuyến khích, nhưng cũng không kết luận là có sự sao chép. Đối với nhà điêu khắc đây có thể là một cú sốc, hoặc ít nhất là sự không vui lòng. Dân tình nhao nhao lên, người thì thông cảm, người thì ca ngợi con mắt tinh tường của hội đồng nọ. Nhưng nếu nhà điêu khắc dũng cảm thừa nhận lỗi của mình thì chắc anh sẽ trưởng thành.
Tác phẩm Những con chim của Thái Nhật Minh
Tôi không nói rằng anh sao chép hay ảnh hưởng, mà là anh tự coi mình là nghệ sĩ lại vác tác phẩm đi cho người khác chấm, đó là một lỗi rất nặng. Người khác ấy cũng tương tự như ta, trình độ, sự yêu ghét cũng chả hơn gì người thường… Cãi nhau một hồi, thì bao giờ cũng đến kết quả trung bình. Hội đồng nghệ thuật nào cũng chỉ chọn ra được cái trung bình, nên có thể bày ra cho mọi người xem chứ không nên dự giải. Hoặc nên một lần cho biết cái danh hão là ra sao, được hay không rồi thôi.
Nhiều nghệ sỹ ít ý thức điều này, giải nào cũng tham gia, được thì vui, không được thì oán trách ban tổ chức có mắt như mù, bè phái… Với cung cách của người Việt thì đến một ngày anh trở nên lão làng, cho vào hội đồng, thì cũng chấm phách như vậy. Do vậy, khi đem tác phẩm đến triển lãm nên đề vào tờ khai: Trưng bày chứ không giải thưởng.
Bản chất của nghệ sỹ là chịu thiệt thòi, bản chất của nghệ thuật là không ai hiểu cả – trong đương thời. Nếu như ai may mắn trong đời, nếu như tác phẩm được tung hô ngay, chắc chắn, hay hầu hết là thứ thời thượng, không mấy giá trị lâu dài. Xét cho cùng bạn nên vui khi không ai nhòm ngó đến sáng tác của bạn, và càng mừng hơn nếu người ta chê bai, vì đấy chính là cái của chính ta chứ không phải là bất cứ ai khác, nên bất cứ ai khác cũng có thể không đồng thuận. Đó là nghệ thuật. Thế thì triển lãm là đem ra cái tiếng nói cá nhân của mình, không dễ thông cảm, không thể thông cảm; được giải, được khen đã là được thông cảm rồi, tức là phần cá nhân bé tí tẹo.
Đôi khi tôi cứ băn khoăn về điều này: làm nghệ thuật thì cần rất nhiều phương tiện, nhưng nghệ thuật thì đòi hỏi quẳng tất cả các phương tiện đi, giống như tước vỏ mà bộc lộ cái lõi. Cái phương tiện cho sự sáng tác như thời gian, tiền bạc, địa điểm, vật chất nói chung… Không có thì không có gì để thể hiện, tối thiểu là cái bút tờ giấy, nhiều hơn thì không kể xiết, nhất là đối với một nhà điêu khắc. Rồi một ngày các phương tiện chỉ đóng vai trò cái vỏ mà ta cần tước bỏ, vậy thì nên ngày từ trẻ tước hết những cái không thật cần thiết, như giải thưởng chẳng hạn.