Davines Art Series số 1: Khởi đầu đầy ấn tượng
NDĐT – Nằm trong khuôn khổ Chuỗi hoạt động nghệ thuật Davines (Davines Art Series) sẽ được tổ chức định kỳ hai lần trong một năm, Triển lãm nghệ thuật số 1 vừa khai mạc sáng 2-10 tại Trung tâm thương mại Vincom Royal City là một sự khởi đầu thật sự ấn tượng.
Diễn ra đến hết ngày 13-10, Triển lãm nghệ thuật số 1 giới thiệu những tác phẩm xuất sắc nhất của 10 nghệ sĩ đương đại tài năng thuộc các lĩnh vực hội họa và điêu khắc như Lý Hùng Anh, Nguyễn Duy Mạnh, Lê Thị Minh Tâm, Doãn Hoàng Lâm, Nguyễn Đình Vũ, Nguyễn Tất Long, Nguyễn Thế Dung, Thái Nhật Minh, Trương Tiến Trà và Nguyễn Văn Hè. Có thể mạo muội xếp họ vào nhóm họa sĩ trẻ. Bởi trong số đó, người ít tuổi nhất là họa sĩ Nguyễn Thế Dung, sinh năm 1985. Còn “già” nhất cũng chỉ đến cỡ Doãn Hoàng Lâm, sinh năm 1970, tức là tròn 43 tuổi. “Trẻ” nhưng bản trích ngang lý lịch nghệ thuật cho thấy họ đều sở hữu cả danh sách dài những cuộc triển lãm nhóm hoặc cá nhân, được tổ chức ở cả trong và ngoài nước. “Trẻ” nhưng họ đều là những cái tên đã được công chúng yêu mỹ thuật “nhớ mặt, thuộc tên”.
Và không dừng lại ở quy mô của một triển lãm mỹ thuật thông thường, Davines Art Series số 1 còn có thêm phần trình diễn của Phạm Quang Trần Minh – một nhạc sĩ và đồng thời là nghệ sĩ âm thanh tự do – với những ca khúc sôi động nhưng cũng không kém phần sâu lắng sẽ mang lại cảm nhận mới mẻ, thích thú cho người nghe. Ông cũng là tác giả của album Đêm nước cuốn, ra đời năm 2005 và nhiều tác phẩm nhạc điện tử tại các triển lãm nghệ thuật được giới làm nghề đánh giá cao.
Họa sĩ Lê Thiết Cương chính là “linh hồn” của cuộc triển lãm đầu tiên, với vai trò là một giám tuyển. Đây cũng là lần thứ hai, ông cộng tác với Davines trong nỗ lực đỡ đầu, quảng bá và đưa những loại hình nghệ thuật cùng các nghệ sĩ tài năng đến gần hơn với công chúng yêu cái đẹp.
Từ năm 2011, cũng chính ông đã nhận công việc giám tuyển trong triển lãm độc đáo mang cái tên Cân bằng – sự kết hợp “song kiếm hợp bích” giữa tranh và ảnh lần đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội. Bằng sự phối kết sáng tạo các tác phẩm của hai nghệ sĩ (tranh sơn dầu của họa sĩ Đào Hải Phong và ảnh đen trắng của nhiếp ảnh gia Đặng Ngọc Thái), sự tương phản trong chất liệu cùng màu sắc đã đem lại cho công chúng những ngạc nhiên thú vị suốt thời gian triển lãm tại sảnh vòm khách sạn Hotel De L’Opera.
Với cuộc ra quân rầm rộ của nhiều gương mặt nghệ sĩ đương đại sáng giá lần này, Lê Thiết Cương hy vọng sẽ mang lại một góc nhìn mới, có thể tiệm cận nhịp đập, dòng chảy đời sống nghệ thuật đương đại hôm nay. Bởi theo ông, “hội họa với những đề tài, thể loại và cách diễn tả cũ như chân dung một cô gái, phong cảnh đồng quê hay tĩnh vật một lọ hoa là những giá trị đã được khẳng định, đã quen thuộc, ít nghĩa và dễ xem. Những tác phẩm như vậy thiên về hình thức (cách vẽ thế nào) mà ít nội dung (vẽ về cái gì).
Nghệ thuật mới ngày hôm nay của các nghệ sĩ trẻ lại rất chú tâm vào nội dung, tranh của họ không chỉ đơn thuần đẹp chung chung mà luôn có ở bên trong, ở bên dưới, ở đằng sau tác phẩm là những vấn đề, những câu hỏi, những thông tin, thông điệp. Chính vì vậy mà nghệ thuật hôm nay rất cần tương tác với đời sống thực, với công chúng, nó không tĩnh, không tự đóng khung mình, không phải mì ăn liền hoặc đồ hộp. Đề tài của nghệ thuật đương đại luôn gắn với đời sống, luôn thời sự, nó không là câu trả lời, nó là những câu hỏi. Câu trả lời luôn ở phía người xem, trong đầu người xem. Ai cũng có thể là người xem, người đọc – có thể là bà nội trợ, người thợ, người nông dân, ai cũng sẽ có cách hiểu của mình. Đó là lý do chúng tôi chọn và giới thiệu đến công chúng các tài năng trẻ với các tác phẩm đương đại của họ. Mỗi người mỗi vẻ”.
Vị giám tuyển đã chia sẻ lý do tại sao sự kiện khởi đầu của chuỗi hoạt động nghệ thuật này lại chọn Vincom Royal City làm địa điểm: “Với mục đích đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, tiếp xúc trực tiếp với công chúng nên triển lãm lần này được trưng bày trong một trung tâm thương mại. Có thể nói đây là một sự phá cách cần thiết và cũng là lần đầu chúng tôi làm như vậy. Khách hàng và người thăm quan của trung tâm thương mại sẽ đồng thời là những người thưởng ngoạn. Họ sẽ có cách tiếp cận nào đó với nghệ thuật mà chưa chắc những người có chuyên môn có thể có được. Ấy là chưa kể, cái đẹp luôn có con đường riêng để đến với tất cả mọi người. Nghệ thuật nào cũng khởi hành từ cái ga đời sống và Triển lãm nghệ thuật Davines Art Series chính là một trong những cách để nghệ thuật trở về với đời sống theo nghĩa cụ thể nhất”.
Tiêu chí lựa chọn tác phẩm tham gia cũng được ông chia sẻ với báo giới: “Bữa tiệc nghệ thuật này hấp dẫn còn bởi sự đa dạng với nhiều điểm nhìn từ biểu hiện trừu tượng đến trừu tượng, từ hội họa đến điêu khắc, điêu khắc – sắp đặt. Từ sơn dầu đến sơn mài, đến âm nhạc đương đại”.
Vì thế, đến với Triển lãm nghệ thuật số 1, công chúng có cơ hội thưởng lãm từ những tác phẩm hội họa như Giấc mơ (chất liệu sơn dầu của Nguyễn Đình Vũ), Chân dung (sơn mài của Trương Tiến Trà), Tiểu thần tiên (Sơn dầu của Lê Thị Minh Tâm), Cô gái (Sơn dầu của Nguyễn Văn Hè), Trừu tượng (Sơn dầu của Nguyễn Tất Long), Chân dung (Sơn dầu của Lý Hùng Anh), Tình (sơn dầu của Nguyễn Thế Dung), Nội soi (phim X – quang của Doãn Hoàng Lâm) … đến các tác phẩm điêu khắc thú vị như Những con chim (Tre – gỗ – nhôm đúc của Thái Nhật Minh), Nông cụ, Vô đề I, Những cái ghế (nhiều chất liệu của Nguyễn Duy Mạnh)…
Chuỗi hoạt động nghệ thuật Davines Art Series ra đời trong mạch phát triển thương hiệu Davines tại Việt Nam. Theo đại diện của Davines, “chúng tôi muốn bắt đầu từ những việc làm nhỏ, thiết thực để mang lại những tác phẩm nghệ thuật của cuộc sống đương đại sôi động hôm nay. Mỗi năm hai lần, vào mùa xuân và mùa thu, công chúng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ có cơ hội được thưởng lãm những tác phẩm đương đại mới nhất, do các giám tuyển uy tín nhất trong việc cố vấn, đánh giá và lựa chọn”.